Các thiệt hại kinh tế do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 gây ra và cuộc chiến đổ lỗi nguyên nhân bùng phát dịch bệnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đẩy căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao cũng như các nghi ngờ về việc liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể duy trì các điều khoản đã cam kết trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 hay không?
Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được hai quốc gia ký kết hồi giữa tháng 1/2020 sau hơn một năm bùng phát chiến tranh thương mại giữa hai nước, tạm thời giúp làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngày 3/5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ chấm dứt thoả thuận này nếu như Trung Quốc không mua đủ số hàng hoá từ phía Hoa Kỳ như đã cam kết. Đây là lần đầu tiên ông Donald Trump lên tiếng công khai đe doạ Trung Quốc về việc thực thi thoả thuận thương mại.
Về phía Chính phủ Trung Quốc, thoả thuận thương mại giai đoạn 1 dường như là một gánh nặng khó chịu đối với nước này ngay từ ngày đầu tiên thoả thuận được ký kết. Trong gần 2 năm trước khi ký kết thoả thuận này, Trung Quốc đã đẩy mạnh đàm phán với Hoa Kỳ nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện bùng phát nhưng nước này cũng luôn không muốn chịu sự kiểm soát của Hoa Kỳ trong một số chính sách đối nội cũng như hoạt động nhập khẩu hàng hoá của mình.
Ngay cả trước khi vấn đề đại dịch Covid-19 trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc thì Trung Quốc đã cố gắng giữ việc thực thi thoả thuận thương mại với Hoa Kỳ ở mức thấp nhất có thể. Rất ít quan chức Trung Quốc, bao gồm Phó Thủ tướng kiêm trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc thảo luận công khai việc thực thi thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Chỉ có duy nhất Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, khi tham gia một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 4/2020, khẳng định Trung Quốc cam kết thực thi thoả thuận thương mại này.
Theo thoả thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ cần phải gia tăng mua thêm các sản phẩm và dịch vụ từ Hoa Kỳ với tổng trị giá đạt trên 200 tỷ USD trong hai năm tới đây so với mức hồi năm 2017, bao gồm 50 tỷ USD sản phẩm nông sản, 75 tỷ USD sản phẩm chế tạo và 50 tỷ USD sản phẩm năng lượng.
Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vốn gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc đang khiến nước này khó có thể thực hiện được đúng những cam kết trong thoả thuận.
Khi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết, Hoa Kỳ đã kỳ vọng Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ gia tăng mua dầu thô từ nước này. Nhưng các số liệu mới nhất của Cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô và nhiên liệu khác được Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong quý 1/2020 chỉ ở mức 114 triệu USD, chưa bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu tới 11,3 tỷ USD dầu thô và nhiên liệu từ Nga và 10,7 tỷ USD các sản phẩm năng lượng từ Ả-rập Xê-út.
Một công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc cho biết việc nhập khẩu dầu thô từ Hoa Kỳ gặp nhiều bất lợi khi chi phí vận chuyển có thể lên tới 10 USD/thùng, cao hơn so với việc nhập khẩu dầu thô từ khu vực Trung Đông. Chi phí vận chuyển cao trong khi nguồn cung dầu thô dồi dào trên thị trường với giá dầu thô ở mức thấp kỷ lục, cùng với đó nhu cầu sử dụng dầu thô ở mức yếu khi các hoạt động kinh tế bị đình trệ vì đại dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc chỉ nhập khẩu rất ít sản phẩm năng lượng từ Hoa Kỳ.
Đối với đậu tương, một sản phẩm nông sản quan trọng trong thoả thuận thương mại, lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong quý 1/2020 đã tăng vọt 210% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 7,8 triệu tấn tương đương 21,88 tỷ USD. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc nhập khẩu đậu tương tăng cao chủ yếu do giá đậu tương ở trên thị trường quốc tế đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và nhiều thương nhân Trung Quốc tận dụng mức giá thấp để gia tăng mua vào.
Các dữ liệu cũng cho thấy tăng trưởng nhập khẩu đậu tương Hoa Kỳ của Trung Quốc đã giảm xuống trong tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động thương mại và vận chuyển trên toàn cầu suy giảm.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy Hoa Kỳ không xuất khẩu được lô đậu tương nào sang Trung Quốc trong hai tuần liên tiếp của tháng 3/2020. Trong cả tuần cuối cùng của tháng 4/2020, lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ chỉ đaht 10.375 tấn, chưa đến 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Vào giữa tháng 2/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thành lập Văn phòng Giải quyết tranh chấp và Đánh giá song phương nhằm xúc tiến việc thực hiện thoả thuận thương mại giai đoạn 1.
Theo các yêu cầu của thỏa thuận, Chính phủ Trung Quốc cũng cần thành lập một cơ quan tương đương để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc thực thii thoả thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin liên quan đến việc thành lập cơ quan tương tự.
Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, việc thực thi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ trở thành vấn đề ít được ưu tiên hơn trong các cuộc họp của Chính phủ Trung Quốc trong suốt 3 tháng vừa qua. Hầu như không có bất kỳ cập nhập về tiến trình thực hiện thoả thuận thương mại được Trung Quốc đưa ra trong các cuộc họp cấp cao của Chính phủ nước này, họp báo thường kỳ của cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc vốn tham gia vào đàm phán thoả thuận thương mại.
Các tổ chức vận động hành lang cho biết việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc cũng đang diễn ra chậm lại. Trong tuần trước, ông Lester Ross, Chủ tịch Ủy ban chính sách của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cho biết các lĩnh vực trong khu vực dịch vụ tài chính của Trung Quốc vẫn chưa ra bất kỳ thông báo chính thức về việc tiến hành và thực thi thoả thuận giai đoạn 1.
Một trong những lợi ích lớn đối với Trung Quốc của việc tham gia thoả thuận thương mại là Trung Quốc có thể dự đoán được các động thái về hoạt động thương mại của Hoa Kỳ cũng như cải thiện mối quan hệ với Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến quan điểm này của Trung Quốc thay đổi khi xuất khẩu của quốc gia này giảm mạnh và Hoa Kỳ liên tục cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Ông Niu Xinchun, giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Đông tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nhận định mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang ở mức xấu nhất trong gần 30 năm trở lại đây.
“Sau sự bùng phát của dịch bệnh, quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đối mặt với những vấn đề mới. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc thực thi thoả thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau của các chuỗi cung ứng trong nền công nghiệp Hoa Kỳ và Trung Quốc”, ông Niu Xinchun nhận định.