Kết thúc cuộc hội đàm trực tuyến hôm 18/5, Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), đã đưa ra đề xuất thành lập quỹ cứu trợ kinh tế trị giá tới 500 tỷ EUR (542 tỷ USD) để hỗ trợ phục hồi kinh tế của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trước các tác động của đại dịch Covid-19.
Quỹ cứu trợ kinh tế này được kỳ vọng sẽ giúp EU tránh rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử và hàn gắn các quốc gia thành viên trong liên minh vốn đang bị chia rẽ trong cách thức giải cứu nền kinh tế. Trong tuyên bố chung sau buổi hội đàm, Pháp và Đức cho biết số tiền huy động được trên thị trường dưới danh nghĩa của EU sẽ được phân bổ đến “các quốc gia và lĩnh vực công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19” trong số 27 quốc gia thành viên khối EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết quỹ cứu trợ là điều hợp lý và cần thiết phải thực hiện để đảm bảo sự phục hồi bền vững của nền kinh tế EU và số tiền của quỹ sẽ được hoàn trả dần qua các khoản ngân sách trong tương lai của khối EU.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh khoản tiền được phân bổ từ quỹ cứu trợ sẽ không phải là “các khoản cho vay” và các quốc gia hưởng lợi từ quỹ cứu trợ sẽ không phải hoàn trả lại tiền cho quỹ này.
Trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo triển vọng phục hồi kinh tế của khối EU và tính gắn kết nội khối của liên minh này đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao khi các bất đồng quan điểm cũ về việc phát hành trái phiếu và cách thức quản lý ngân sách lại một lần nữa được các quốc gia thành viên tranh cãi gay gắt.
Các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khối EU như Áo và Hà Lan đã liên tục bác bỏ đề xuất của những nền kinh tế yếu hơn như Tây Ban Nha và Italy về việc phát hành trái phiếu chung của liên minh EU để huy động tiền chống lại các tác động của đại dịch Covid-19.
Việc Đức đồng ý đề xuất thành lập quỹ cứu trợ đánh dấu bước ngoặt lớn khi nước này, cho đến nay, đã luôn từ chối chia sẻ gánh nặng nợ với các nền kinh tế như Tây Ban Nha và Italy. Tuy nhiên, đề xuất của Pháp và Đức cần được các quốc gia thành viên khác trong khối EU thông qua. Tây Ban Nha đã hoan nghênh quyết định trên và gọi đây là “một bước tiến lớn đúng hướng”.
Trong khi đó, Áo đã lên tiếng khẳng định rằng bất kỳ khoản giúp đỡ tài chính nào cũng phải được xem là khoản vay, không phải là các khoản hỗ trợ không hoàn lại. Văn phòng Thủ tướng Áo tuyên bố “Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng lớn từ sự bùng phát của đại dịch Covid-19 nhưng những việc này phải ở dưới dạng cho vay chứ không phải là dạng tài trợ”.
Sự chia rẽ giữa các quốc gia đã làm chậm tiến trình thành lập quỹ cứu trợ của Uỷ ban Châu Âu (EC) với kỳ vọng tạo ra nguồn tài chính trị giá ít nhất 1.000 tỷ EUR (1.100 tỷ USD) nhằm tái thiết nền kinh tế các quốc gia thành viên. EC từng kỳ vọng quỹ cứu trợ này sẽ đi vào hoạt động kể từ 1/6/2020 nhưng kế hoạch tham vọng này đã chết yểu khi không đạt được đồng thuận vào ngày 6/5 vừa qua.
Nền kinh tế EU được dự báo sẽ giảm mạnh 7,4% trong năm nay dưới các tác động của đại dịch Covid-19; trong đó các quốc gia thành viên phía Nam Âu như Italy và Hy Lạp sẽ đối mặt với cú sốc kinh tế tồi tệ nhất. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã ở mức rất trì trệ và chưa phục hồi hoàn toàn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công Châu Âu năm 2010.