Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, đại diện các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương;
Thưa các đồng chí Lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ;
Thưa các bác, các đồng chí.
Hôm nay, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương Việt Nam giai đoạn 1945-2010 và Biên niên sử Công Thương giai đoạn 2011-2020. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam.
Lời đầu tiên, tôi xin gửi đến các đồng chí Lãnh đạo, đại diện các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo Bộ Công Thương qua các thời kỳ; các chuyên gia, nhà khoa học; cùng toàn thể các bác, các đồng chí lời chào mừng nồng nhiệt; lời kính chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Thưa các đồng chí cùng toàn thể quý vị.
Ra đời từ những ngày đầu lập quốc, trải qua các cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc và tiến hành công cuộc đổi mới; 72 năm qua, ngành Công Thương đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, những giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Đó là truyền thống: Vừa dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, vừa hăng say, sáng tạo trong lao động, sản xuất với tinh thần “Hậu phương thi đua với tiền phương”, “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì chiến thắng quân xâm lược, thống nhất Tổ quốc”…, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm lên những chiến công hiển hách, mà đỉnh cao là đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Khi đất nước hòa bình, trong điều kiện kinh tế rất khó khăn, trình độ quản lý thấp, lại bị ảnh hưởng nặng nề của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Công Thương đã có bước chuyển mình, đổi mới mạnh mẽ, từng bước khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật căn bản cho công cuộc tái thiết đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành đã tiếp tục phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế, đi đầu trong công cuộc hội nhập quốc tế và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng cả nước tạo nên bước ngoặt lịch sử, đưa kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào dòng chảy của kinh tế thế giới.
Nhìn lại chặng đường 72 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam. Dù trong từng giai đoạn, thời kỳ, chia tách rồi sáp nhập với các tên gọi khác nhau; dù chức năng, nhiệm vụ có những lúc thay đổi hoặc ngay cả khi có cán bộ chủ chốt Ngành mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng ngành Công Thương vẫn luôn giữ vững vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, trước những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển SXKD; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Thưa các bác, các đồng chí.
Lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Hiểu biết, trân trọng và gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống vẻ vang của Ngành từ ngày đầu thành lập đến nay là việc làm rất quan trọng, bởi đó không chỉ là việc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay các thế hệ đi trước, mà còn góp phần giáo dục, hun đúc, trao truyền giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV (giữa năm 2021), Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã thống nhất chủ trương nghiên cứu, biên soạn, xuất bản Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam. Sau gần 2 năm thực hiện, với quyết tâm cao và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học và tận tụy, cùng với sự tham gia, hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đến nay Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam đã hoàn thành, đủ điều kiện để xuất bản, công bố rộng rãi với bạn đọc ở trong và ngoài Ngành.
Với dung lượng gần 2.500 trang in được nghiên cứu, xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc; lịch sử Ngành Công Thương Việt Nam là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú, có độ tin cậy cao và rất có giá trị cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn; đã tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực, khách quan quá trình xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; trong đó, đã thể hiện được những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành đã trải qua;
Làm sáng rõ những luận điểm cơ bản về vị trí, vai trò, nhiệm vụ cũng như những đóng góp to lớn, sáng tạo của Ngành trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đất nước; đồng thời, phân tích, tổng kết, đưa ra những bài học kinh nghiệm quý, có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới.
Bởi vậy, đây sẽ còn là “cẩm nang” rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành Công Thương cũng như những đóng góp, cống hiến của Ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ và trân quý các giá trị truyền thống, góp phần tạo lập, nuôi dưỡng niềm tự hào, yêu Ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn Ngành hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự tâm huyết, nỗ lực của Ban Biên soạn, nhóm tác giả, các chuyên gia, nhà khoa học, các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ ngành Công Thương và đơn vị liên quan trong quá trình sưu tầm, thu thập tài liệu, tư liệu và biên tập bản thảo; Trân trọng cảm ơn Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã hỗ trợ biên tập và xuất bản thành công Bộ sách; Cảm ơn những tình cảm quý giá, nghĩa cử tốt đẹp mà các tập thể, cá nhân đã dành cho Ngành thông qua việc cung cấp thông tin, tư liệu quý, cũng như hỗ trợ về tinh thần và vật chất để hôm nay chúng ta có được Bộ sách rất ý nghĩa này.
Thưa các đồng chí và toàn thể quý vị.
Để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phát huy giá trị của Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài Ngành, tôi đề nghị các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, ngay sau sự kiện này, Tạp chí Công Thương chủ trì, phối hợp với Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông của Bộ tập trung tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về nội dung của Bộ sách, giúp bạn đọc cả trong và ngoài Ngành hiểu đúng, hiểu rõ hơn quá trình xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam trong hơn 2/3 thế kỷ qua, nhất là những thời kỳ, sự kiện còn ít được biết đến với cách đánh giá thấu đáo, khách quan, khoa học.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn thể và hệ thống các trường học, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương khẩn trương tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về nội dung Bộ sách bằng các hình thức phù hợp; đưa việc tìm hiểu Bộ sách vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, đoàn thể và liên hệ với thực tiễn công tác của tổ chức, đơn vị mình, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các đoàn viên, hội viên, sinh viên trong toàn Ngành, đặc biệt là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ về các giá trị truyền thống, lịch sử vẻ vang của Ngành cũng như những đóng góp to lớn, sáng tạo của các thế hệ cán bộ ngành Công Thương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Ba là, các đơn vị chuyên môn, cơ quan chức năng thuộc Bộ tập trung nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm, nhất là các bài học trong quá trình triển khai thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện và chỉ đạo, điều hành của Ngành trong thời gian tới.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, bảo đảm đồng bộ, khả thi và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo nhằm khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển Ngành.
Một lần nữa, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ trân trọng đề nghị các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ ngành Công Thương qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp, giúp đỡ Bộ Công Thương trong việc sưu tầm, cung cấp, hiến tặng những tư liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan để nâng cấp, hoàn thiện Phòng Truyền thống của Ngành cũng như biên soạn cuốn Lịch sử Công Thương Việt Nam giai đoạn 1945 – 2010 ở những lần tái bản, hoàn thiện Biên niên sử Công Thương trong giai đoạn tiếp theo và cuốn sách Lịch sử Thương vụ Việt Nam nhằm hoàn thiện Bộ sách lịch sử ngành Công Thương từ khi thành lập đến nay, góp phần truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương hôm nay và mai sau viết tiếp những trang sử vẻ vang của Ngành và các thế hệ cha, anh để lại.
Xin được trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo và đại diện các thế hệ cán bộ của Bộ qua các thời kỳ, cùng toàn thể các bác, các đồng chí tại sự kiện quan trọng này; kính chúc các đồng chí lãnh đạo và toàn thể các bác, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.