Tội giả mạo trong công tác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

TS. PHẠM TÀI TUỆ - ThS. NGUYỄN THÀNH LONG (Khoa Pháp luật Hình sự - Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về giả mạo trong công tác, tác giả phân tích các dấu hiệu pháp lý về định tội, định khung của tội giả mạo trong công tác (TGMTCT); chỉ ra một số vướng mắc, bật cập chưa rõ ràng trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội phạm, đồng thời đưa ra quan điểm cá nhân của tác giả đối với những vấn đề này.

Từ khóa: tội giả mạo trong công tác, các tội phạm về chức vụ, Bộ Luật Hình sự.

1. Đặt vấn đề

Tác hại nguy hiểm của tệ tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc thực hiện chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội hoặc một nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.

Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội phạm tham nhũng để đưa ra những kiến nghị đề xuất là hết sức cần thiết. Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về tội tham nhũng. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu quy định của Bộ luật Hình sự về TGMTCT. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích các dấu hiệu pháp lý của TGMTCT, thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội phạm này, từ đó chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật cũng như áp dụng pháp luật trên thực tế.

2. Các dấu hiệu pháp lý của tội giả mạo trong công tác theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, TGMTCT bao gồm các dấu hiệu pháp lý sau:

2.1. Các dấu hiệu định tội

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm

TGMTCT được quy định trong chương các tội phạm về chức vụ nên khách thể của tội phạm này là quan hệ xã hội đảm bảo cho hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức.

Đối tượng của tội phạm này là những giấy tờ tài liệu chứng thực hoặc một vài sự kiện có ý nghĩa pháp lý. Những giấy tờ, tài liệu đó có thể do cơ quan nhà nước, xí nghiệp, nhà máy hoặc của tổ chức xã hội lập và cấp hoặc do những người có chức vụ, quyền hạn hay những người khác lập và được lưu trữ lại ở các hồ sơ của các cơ quan nhà nước, hoặc tổ chức xã hội. [2] Bên cạnh đó cũng có quan điểm cho rằng, chữ ký của người có chức vụ quyền hạn cũng là đối tượng tác động của tội phạm này.

Thứ hai, về dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của TGMTCT là chủ thể đặc biệt. Ngoài yêu cầu về có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chủ thể của TGMTCT còn phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định.

Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm TGMTCT cũng tương đối rộng. Tuy nhiên, người phạm TGMTCT phải có chức vụ quyền hạn liên quan đến giấy tờ, tài liệu mà họ đã giả mạo.

Thứ ba, dấu hiệu về khách quan của tội phạm.

Hành vi khách quan của TGMTCT là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi sau:

- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu

Sửa chữa giấy tờ, tài liệu thể hiện ở việc ghi thêm một số từ, một số câu, ghi thêm số liệu, tẩy xóa rồi ghi số liệu vào, sữa chữa ngày, tháng, số thứ tự,… Việc sửa chữa này không làm sai lệch hoàn toàn nội dung giấy tờ, tài liệu mà chỉ làm sai lệch một phần, còn hình thức của giấy tờ, tài liệu vẫn giữ nguyên tình trạng ban đầu.

Làm sai lệch, nội dung giấy tờ, tài liệu là làm thay đổi cơ bản nội dung giấy tờ, tài liệu ban đầu bằng cách tẩy xóa một phần nội dung quan trọng ghi thêm vào câu, chữ, số liệu có nội dung khác với nội dung, giấy tờ tài liệu ban đầu. Khi làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, người phạm tội vẫn sử dụng hình thức giấy tờ cũ mà chỉ sửa chữa hoặc ghi thêm nội dung để làm sai lệch.

- Làm, cấp giấy tờ giả.      

Làm giấy tờ giả (GTG) là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra một trong các giấy tờ mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định, nhưng nội dung không đúng với thực tế khách quan. Làm giả giấy tờ là làm hoàn toàn giấy tờ có nội dung giả, chữ ký giả, đóng dấu giả hoặc chữ ký và dấu thật nhưng nội dung thì giả. Khi làm GTG, người phạm tội có thể lợi dụng các biểu mẫu thật hoặc làm giả các biểu mẫu, giấy tờ đó.

Cấp GTG là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là GTG. Hành vi cấp GTG cho người khác, có thể cũng là hành vi làm GTG rồi cấp giấy đó cho người mà mình quan tâm, nhưng cũng có thể người phạm tội chỉ thực hiện việc cấp GTG đó, còn việc làm ra nó lại do một người khác thực hiện. Thông thường, người làm ra GTG cũng là người cấp GTG đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người làm và người cấp khác nhau.

GTG được làm hoặc cấp ở đây là giấy tờ không có thật, tức là cơ quan nhà nước không ban hành loại giấy tờ đó hoặc có ban hành nhưng nội dung không đúng với giấy tờ mà người phạm tội làm. GTG là những giấy tờ dùng để chứng thực sự kiện không có trong thực tế hoặc không phù hợp với thực tế mà người phạm tội mong muốn đạt được những hậu quả pháp lý có lợi cho mình.

Điều luật chỉ quy định làm, cấp GTG, mà không quy định làm tài liệu giả, nên trong trường hợp người phạm tội có hành vi làm tài liệu giả, cần xác định tài liệu đó có tồn tại ở dạng giấy tờ không, nếu không tồn tại ở dạng giấy tờ thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.

- Giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn.

Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là làm giả chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để đánh lừa cho có vẻ hợp pháp. Hành vi giả mạo chữ ký của người giả mạo trong công tác có đặc điểm khác với hành vi giả mạo chữ ký quy định trong một số tội phạm khác ở chỗ người phạm tội GMTCT lại chính là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký của người khác mà người này cũng là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chữ ký bị giả mạo ở đây là người có thẩm quyền để ký, ban hành các giấy tờ, tài liệu mà người phạm tội giả mạo.

Tội GMTCT là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, do vậy hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên mà chưa cần gây ra hậu quả trên thực tế.

Thứ tư, về dấu hiệu chủ quan của tội phạm.

Về chủ quan, lỗi của người phạm tội GMTCT là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi GMTCT là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi này.

Bên cạnh đó, động cơ phạm tội cũng là một trong những dấu hiệu bắt buộc để định tội danh đối với tội GMTCT. Chỉ bị coi phạm tội GMTCT nếu người phạm tội thực hiện tội phạm vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân.

Động cơ vụ lợi được hiểu là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

2.2. Dấu hiệu định khung hình phạt

Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 7 tình tiết định khung tăng nặng: “có tổ chức”; “người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu”; “làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 giấy tờ giả đến 5 giấy tờ giả”, “làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 6 đến 10 giấy tờ giả”; “để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”; “làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ trở lên”; “để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Như vậy, so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, tội GMTCT trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ các tình tiết “phạm tội nhiều lần”; “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và bổ sung thêm các tình tiết  “làm, cấp GTG với số lượng từ 2 GTG đến 5 GTG”, “làm, cấp GTG với số lượng từ 6 đến 10 GTG”; “để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”; “làm, cấp GTG với số lượng 11 giấy tờ trở lên”; “để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Việc nhà làm luật loại bỏ các tình tiết mang tính chất định tính, đồng thời cụ thể hóa thành các tình tiết về số lượng giấy tờ, tài liệu được làm giả và tình tiết liên quan đến mục đích của GMTCT là hoàn toàn phù hợp với định hướng sửa đổi chung trong Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất trên thực tiễn.

3. Một số vấn đề về tội giả mạo trong công tác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Mặc dù Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục được phần lớn những bất cập, hạn chế của tội GMTCT trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng sẽ có những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm này. Qua nghiên cứu về quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và một số bản án xét xử về tội GMTCT, tác giả nhận thấy có một số vấn đề sau cần đưa ra trao đổi:

Thứ nhất, đối với vấn đề định tội danh đối với tội GMTCT

Tội GMTCT được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 với dấu hiệu pháp lý đặc trưng là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để sửa chữa giấy tờ, tài liệu, làm giả giấy tờ, tài liệu, giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn cùng với động cơ vụ lợi. Tuy nhiên, việc nhà làm luật quy định các dấu hiệu pháp lý như vậy khiến cho tội phạm này dễ bị nhầm lẫn đối với một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua nghiên cứu một số bản án về tội GMTCT,

Đơn cử một số trường hợp phạm tội sau đây:

Vụ việc thứ nhất là trường hợp của Nguyễn Bá V (Trưởng phòng Đào tạo - Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Công nghiệp) nhận thấy sơ hở trong việc quản lý, cấp bằng tốt nghiệp, đã nhận hồ sơ từ các công dân có nhu cầu “mua” bằng tốt nghiệp cao đẳng nhằm vụ lợi. Trong năm 2018, V đã đề nghị các công dân này nộp hồ sơ để hợp thức vào các lớp chuyên ngành của Hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng khóa 7 niên khóa 2017 - 2019, từ đó cấp bằng tốt nghiệp mà không phải tham gia học tập đào tạo. Người mua bằng phải nộp cho V một bộ hồ sơ và kèm theo số tiền 20.000.000 đồng/ người để được cấp bằng tốt nghiệp khống.

Để cấp được bằng tốt nghiệp khống, V nhờ H (thư ký giáo vụ) chèn thêm thông tin của 10 công dân mua bằng vào danh sách công nhận tốt nghiệp đã được Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp phê duyệt để cấp bằng tốt nghiệp khống cho các công dân này. Sau khi có bằng tốt nghiệp, V liên hệ để đề nghị 10 công dân trực tiếp đến trường nhận bằng tốt nghiệp và ký nhận vào sổ giao nhận bằng. Với hành vi như trên V đã hưởng lợi số tiền 137.000.000 đồng. Hành vi này của V đã bị truy cứu về tội GMTCT.

Trường hợp này của V có thể được coi là lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người khác để làm lợi cho bản thân. Vậy trong trường hợp giả mạo giấy tờ tài liệu theo yêu cầu của người khác để thu lợi cho mình, chúng ta sẽ xác định hành vi này cấu thành tội nhận hối lộ hay GMTCT. Đây là một vấn đề cần phải có văn bản hướng dẫn để định tội danh cho phù hợp với thực tiễn, bởi nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Theo tác giả, đặc trưng của nhận hối lộ là trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận một khoản lợi ích nào đó để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa. Do vậy, chủ thể của người nhận hối lộ phải là người có thẩm quyền giải quyết công việc của người đưa hối lộ. Chính vì thế, nếu người có hành vi sửa chữa giấy tờ tài liệu, làm giả giấy tờ tài liệu có thẩm quyền trong việc ban hành, cấp hoặc thu thập các giấy tờ, tài liệu thì tội danh phải xác định là nhận hối lộ. Còn nếu người phạm tội chỉ có chức vụ quyền hạn liên quan đến việc làm, cấp các giấy tờ này mà không có thẩm quyền ban hành thì tội danh của họ sẽ được xác định là GMTCT.

Vụ việc thứ hai là trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn P (Thư ký tòa Tòa án Nhân dân huyện AT). Trong thời gian công tác tại Tòa án Nhân dân, giúp việc cho thẩm pháp giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, P đã lợi dụng vị trí công tác của mình để tiếp cận với các đương sự có nhu cầu giải quyết ly hôn và hứa hẹn tạo điều kiện để giải quyết nhanh. Sau khi nhận được yêu cầu của đương sự, P tự ý soạn các mẫu văn bản tố tụng theo quy định để cho đương sự ký tên, thậm chí còn cho ký khống vào các văn bản chưa điền nội dung. Sau đó P dùng máy tính soạn các quyết định thuận tình ly hôn và trích lục bản án dân sự giả. Bị cáo cắt, dán chữ ký của các thẩm phán để ở các văn bản tố tụng khác rồi dán vào quyết định bị cáo tự soạn, đem phô tô, trong đó có 1 quyết định bị cáo giả mạo chữ ký của thẩm phán. Lợi dụng việc đóng dấu vào các hồ sơ để chuyển đi kiểm tra hàng tháng, bị cáo kẹp các tờ quyết định giả vào trong hồ sơ để giao cho đương sự. Trong vòng 12 tháng, P đã làm giả 12 quyết định thuận tình ly hôn và 1 trích lục của bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm, thu lời bất chính của đương sự số tiền tổng cộng là 42.000.000 đồng. Trong trường hợp này P đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội GMTCT.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, mặc dù hành vi của P là làm giả giấy tờ tài liệu, nhưng đồng thời cũng có dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi thứ nhất, hành vi của P lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm giả các quyết định thuận tình ly hôn. Thứ hai, đương sự trong các vụ việc trên đều không biết các quyết định thuận tình ly hôn mà P đưa cho mình là giả. Thứ ba, do tin tưởng các giấy tờ mà P làm giả là thật nên các đương sự đã đưa cho P một khoản tiền nhất định và khoản tiền này cần được xác định là số tiền mà P chiếm đoạt được của các đương sự. Vậy trong trường hợp GMTCT và có yếu tố chiếm đoạt tài sản chúng ta cần định tội danh như thế nào cho phù hợp.

Về nguyên tắc, nếu một hành vi cấu thành nhiều tội phạm, trong đó dấu hiệu định tội của một tội đã được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội phạm khác thì chỉ truy cứu TNHS về tội có cấu thành tội phạm tăng nặng. Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn được xác định là một tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của tội này. Do vậy, nếu có yếu tố lợi dụng chức vụ quyền hạn gian dối chiếm đoạt tài sản thì cần phải định tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, cần quy định thêm các tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm.

So với Bộ luật Hình sự năm 1999, TGMTCT trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ các tình tiết mang tính chất định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và cụ thể hóa thành các tình tiết định lượng như các tình tiết liên quan đến số lượng giấy tờ, tài liệu bị giả mạo hoặc động cơ của việc giả mạo trong công tác là để thực hiện tội phạm. Việc cụ thể hóa các tình tiết mang tính chất định tính là cần thiết, tuy nhiên việc thay thế các dấu hiệu này vẫn chưa hoàn toàn bao quát hết các dạng hậu quả của tội phạm. Trên thực tế hậu quả của tội phạm có thể bao gồm nhiều dạng khác nhau như thiệt hại về tài sản, gây ảnh hưởng xấu làm mất uy tín của cơ quan tổ chức, chiếm đoạt tài sản của người khác,… Việc cụ thể hóa không đầy đủ các tình tiết có tính chất định tính này có thể dẫn đến việc bỏ lọt trong xử lý tội phạm.

Ngoài ra, thực tế cho thấy người phạm TGMTCT thường nhằm thu lời bất chính cho bản thân một khoản tiền nhất định nào đó. Do vậy, việc không quy định “thu lời bất chính” làm một tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm cũng sẽ dẫn đến việc không đảm bảo nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt đối với các cá nhân phạm tội này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra chính phủ (2011). Tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng dành cho giáo viên các trường THPT. NXB Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.
  2. Trần Văn Đạt, (2012). Các tội phạm về tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam. Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.
  3. Đinh Văn Quế, (2007). Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự - Phần các tội phạm - Tập. Các tội phạm về chức vụ (bình luận chuyên sâu). NXB. TP. Hồ Chí Minh.
  4. Trần Văn Đạt, (2012). Các tội phạm về tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam. Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.
  5. Đinh Văn Quế, (2007). Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự - Phần các tội phạm - Tập. Các tội phạm về chức vụ (bình luận chuyên sâu). NXB TP. Hồ Chí Minh.
  6. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2021). Bản án số 31/2021/HSPT ngày 30/3/2021.
  7. Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên (2019). Bản án số 04/2019/HSST ngày 23/ 01/2019.

COMMISSION OF FRAUD IN PERFORMANCE

OF DUTIES UNDER 2015 CRIMINAL CODE

Dr. PHAM TAI TUE

Master. NGUYEN THANH LONG

Faculty of Criminal Law - Hanoi Law University

ABSTRACT:

On the basis of the provisions of the 2015 Criminal Code 2015 on Commission of fraud in performance of duties, the authors analyze the legal signs on the determination and framing of Commission of fraud in performance of duties; points out some problems and issues in the application of the provisions, and gives the author's personal views on these issues.

Keywords: commission of fraud in performance of duties, crimes related to position, Criminal Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]