Tối ngày 30/6/2023, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố năm 2022 cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm, trong đó có 15 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 24 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đây là năm thứ hai TP.Hồ Chí Minh tổ chức công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP.
Thêm 39 sản phẩm được công nhận
Các sản phẩm được công nhận đợt này của Thành phố bao gồm: các loại mật ong, cà phê mứt sấy khô, hải sản tươi, rượu linh chi và các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP… Trong đó huyện Hóc Môn có 17 sản phẩm, huyện Củ Chi có 8 sản phẩm, huyện Bình Chánh có 8 sản phẩm và huyện Cần Giờ có 6 sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã tạo lập được uy tín thương hiệu và được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, Australia, EU…
Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được tổ chức trên phạm vi cả nước với mục tiêu phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Tại TP.Hồ Chí Minh, đầu năm 2019, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn vùng nông thôn tại TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Cuối năm 2021, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có đánh giá và quyết định phân hạng sản phẩm OCOP đối với 28 sản phẩm, trong đó có có 27 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao.
Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn
Ngày 8/6/2022, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có 2 nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi toàn Thành phố. Nếu giai đoạn 2019 - 2020, Chương trình OCOP chỉ được triển khai thực hiện điểm trên địa bàn 05 huyện xây dựng nông thôn mới: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ thì đến giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đã mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình ra 22 quận huyện và TP. Thủ Đức.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng mở rộng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 06 lĩnh vực, gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Thời gian tới, để Chương trình OCOP trên địa bàn tiếp tục phát triển hiệu quả, các Sở, ngành của Thành phố tăng cường phối hợp hỗ trợ các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị và các tuyến du lịch trên địa bàn; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn…
Tại Lễ công bố, các hệ thống phân phối gồm: Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn MTV đã ký kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Thành phố.