Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn
Thông tin tại buổi làm việc, ông Hà Sỹ Thắng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong khuôn khổ tham gia Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực phía Bắc - Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Bắc Kạn tổ chức đoàn khảo sát nghiên cứu thị trường để kết nối đầu ra cho các sản phẩm, hàng hóa, nông sản phẩm của địa phương, sản phẩm OCOP.
Đến thời điểm này, Bắc Kạn đã công nhận 182 sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh và tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm để thực hiện thủ tục công nhận, trong đó có rất nhiều các sản phẩm đạt 3 sao trở lên và đặc biệt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP 5 sao là miến dong thương hiệu Tài Hoan đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu từ ba năm nay và được tiêu thụ rất tốt.
"Nguồn cung sản phẩm miến dong của Bắc Kạn rất lớn, do đó mong muốn được mở rộng thị trường tiêu thụ. Mong muốn thứ hai là giới thiệu các sản phẩm đến các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối để tăng cường giao lưu liên kết và có thể đáp ứng được nhu cầu của các hệ thống phân phối với sản phẩm, hàng hóa của địa phương", ông Thắng cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, việc tổ chức các đoàn của địa phương xúc tiến, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tới các nhà phân phối là là một hình thức rất hiệu quả và có nhiều thuận lợi. Đối với người bán dễ dàng tìm được đối tác. Thị yếu người tiêu dùng trong nước thì các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường trong nước có thể nắm bắt được; hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và các siêu thị, các hệ thống phân phối cũng đều áp dụng tiêu chuẩn chất lượng đó.
Một thuận lợi nữa là cả người mua và người bán đều có thể dễ dàng tiếp xúc trực tiếp để trao đổi, tương tác qua lại về quy mô sản xuất, sản phẩm... Doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ có thể đến tận vườn, tận nhà khảo sát xem sản phẩm được xử lý như thế nào, thậm chí hai bên có thể trao đổi với nhau làm sao để hạ giá thành, giảm chi phí đưa vào siêu thị để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Mặt khác, với đầu mối kết nối của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương như "bà mối" xúc tiến, dẫn dắt cơ sở sản xuất và nhà phân phối đến với nhau, mang lại thuận lợi cho cả đôi bên.
Tuy nhiên, theo ông Chinh, cần quan tâm đến các vấn đề đáp ứng kỹ thuật, vấn đề tiêu chuẩn của sản phẩm một cách chi tiết về quy cách, phẩm chất, giá cả và đặc biệt về quy mô, khả năng cung ứng.
"Nếu các siêu thị cùng mua, cùng phân phối mà sản phẩm không đủ quy mô thì rất là tiếc. Các nhà bán lẻ đang đi tìm, đặt hàng sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thị trường thì liệu quy mô của chúng ta sản xuất có lớn không? Tôi nói ví dụ như bây giờ ở đâu cũng ăn chay, cửa hàng nào cũng bán sản phẩm chay nhưng nếu muốn mua 10 container sản phẩm chay để xuất khẩu hoặc đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, liệu có làm được không?", ông Chinh đặt vấn đề và khẳng định quy mô rất quan trọng cho cả phân phối và cung ứng, bởi nếu quy mô tổ chức tốt trên địa bàn sản xuất với chất lượng đảm bảo chắc chắn khả năng tiêu thụ sẽ rất tốt.
Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải có sự khác biệt, làm sao sản phẩm này chỉ có Bắc Kạn mới có thôi, làm sao để các nhà phân phối, nhà bán lẻ phải lên Bắc Kạn đặt hàng. Chỉ có thể đặt được Bắc Kạn, không thể đặt nơi khác thì đấy mới là sự khác biệt của "mỗi làng một sản phẩm".
Thúc đẩy hơn nữa liên kết và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op cho biết, những năm vừa qua đơn vị đã phối hợp với rất nhiều địa phương để quảng bá, xúc tiến đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op.
Riêng với miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, bên cạnh việc phân phối tại địa bàn TP.Hải Phòng, trong tháng 6 này Saigon Co.op tiếp tục đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại 06 siêu thị Co.op Mart và chuỗi 40 cửa hàng Co.op Food của hệ thống tại TP.Hà Nội. "Hợp đồng đã được kí kết và việc đặt hàng sẽ được tiến hành sớm sau khi giải quyết các vấn đề kỹ thuật của hệ thống", ông Liêm thông tin.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, cần tăng cường đầu mối liên kết giữa người mua, người bán hoặc giữa các nhà phân phối, bởi quy mô sản xuất của các cơ sở thường quá nhỏ, manh mún, hạn chế trong việc trực tiếp kết nối với các siêu thị, do đó cần thông qua các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp đại diện để kí kết cung ứng sản phẩm, hàng hóa đưa vào các siêu thị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn cho biết, Hội đã xây dựng đề án và chuẩn bị đưa vào hoạt động một công ty nhằm kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, bà con trên địa bàn tỉnh trong việc cung ứng sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay quy mô sản xuất của các cơ sở sản phẩm địa phương thường là nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các hệ thống phân phối trong việc đặt hàng, thu mua sản phẩm. Do đó nên có những công ty cung ứng như đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn nêu, tuy nhiên cần vận hành theo mô hình trung tâm phân phối, ngoài hoạt động vận chuyển và hỗ trợ công tác hóa đơn, chứng từ nên bao gồm các khâu chuyên môn khác như: giới thiệu nguồn hàng, thu mua, giám sát chất lượng sản phẩm của các cơ sở...
Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp VinCommerce, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị WinMart và chuỗi cửa hàng tiện ích WinMart+ cũng cho rằng, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, địa phương cần phát triển mối liên kết giữa các HTX sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng, vận chuyển hàng hóa tới các hệ thống phân phối.
Mặt khác, cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là những chương trình quảng bá, giới thiệu tại những hệ thống phân phối, không chỉ là những tuần hàng riêng lẻ, mà cần duy trì tần suất thường xuyên các chương trình quảng bá, gây ấn tượng liên tục và tạo uy tín với người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng BRGMart cho rằng, Bắc Kạn có những sản phẩm đặc trưng khác biệt với sản phẩm của các địa phương khác như miến dong, cần tăng cường quảng bá tới người tiêu dùng nắm được những đặc trưng đó và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện các nhà phân phối cho rằng, việc thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hệ thống phân phối đồng thời có thể nhận lại những đánh giá của người tiêu dùng. Cùng với việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, những yếu tố tác động đến thị trường sản phẩm, những chính sách, cam kết của Việt Nam và xu hướng thế giới về bảo vệ môi trường... sẽ giúp các cơ sở sản xuất có thể cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng bao gói sản phẩm… phù hợp hơn với nhu cầu và xu hướng thị trường.
Liên quan đến vấn đề làm sao để quảng bá sản phẩm địa phương hiệu quả hơn, ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, quảng bá trên môi trường trực tuyến đang là một xu hướng phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với nền tảng Tik tok tổ chức các buổi livestream bán hàng online, chủ yếu hướng tới người tiêu dùng trẻ yêu thích xu hướng mới, sẵn sàng chi tiêu mua hàng hóa khi được giới thiệu hấp dẫn.
"Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẵn sàng đồng hành, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và các nhà sản xuất địa phương tổ chức các chương trình trực tuyến để giới thiệu, chia sẻ về sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm... tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, địa phương có thể huy động nguồn nhân lực về thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng từ các cơ sở đào tạo để hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất quảng bá, bán hàng… hiệu quả hơn", ông Trọng đề nghị.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, tỉnh Bắc Kạn đã có sự nỗ lực trong thời gian dài vừa qua trong công tác thúc đẩy đầu tư sản xuất, chế biến những sản phẩm đặc sản vùng miền và nỗ lực trong công tác kết nối nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo bà Nga, Vụ Thị trường trong nước đang là đầu mối triển khai 3 đề án, 5 chương trình liên quan đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa địa phương, trong đó có các sản phẩm tỉnh Bắc Kạn. Qua trao đổi cho thấy, các hệ thống phân phối sẵn sàng đón nhận, hỗ trợ địa phương và các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn toàn quốc. Đề nghị các Sở, ngành của địa phương cũng tích cực tham gia trong việc kết nối, phát triển mạng lưới kinh doanh, điểm bán lẻ, điểm kho tổng… của các hệ thống phân phối thương mại tại địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, đến nay, các sản phẩm nông lâm nghiệp của Tỉnh phát triển đa dạng phong phú bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến.
Một số nông sản như: Miến dong, bí xanh thơm, chè, bún phô, phở khô, Gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai, Gạo Japonica, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,...
Tỉnh Bắc Kạn đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước; tích cực đưa các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh tiếp cận thị trường trong nước, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, các sở ngành hàng năm thực hiện các chương trình phối hợp về tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh thành, đặc biệt thành phố Hà Nội.
Thông qua triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã tạo thành phong trào sản xuất, kinh doanh tại cấp cơ sở. Nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương được chú trọng phát triển, xây dựng mẫu mã, bao bì đáp ứng quy định để lưu thông trên thị trường và có tiềm năng xuất khẩu. Mặt khác, một số sản phẩm chế biến từ nông sản đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm (tinh bột nghệ, curcumin nghệ…). Sau hơn bốn năm triển khai Chương trình, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đánh giá công nhận 182 sản phẩm được phân hạng sao, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 18 sản phẩm 04 sao, 163 sản phẩm 3 sao mới của 110 chủ thể, trong đó 73 HTX; 5 doanh nghiệp; 22 Hộ kinh doanh; 10 Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, năng suất còn hạn chế, sản lượng hàng năm không ổn định do mất mùa dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô sản xuất còn hạn chế do vậy việc đáp ứng các đơn hàng lớn còn khó khăn. Đồng thời, Bắc Kạn còn thiếu doanh nghiệp đầu mối mua gom hàng hóa cho bà con nông dân, nên phần nào hạn chế việc đặt hàng tiêu thụ của các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị....