Hội thảo quy tụ sự tham gia của khoảng 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu chính cùng hơn 350 đại biểu trực tuyến là lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương; đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước như BIDV, FPT, Huawei, Grab, AWS Việt Nam; các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, gồm các chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Visa Việt Nam và Lào.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 - sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức cao liên tục trong nhiều năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đã hình thành một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng dần qua các năm, chiếm 41,33% GDP năm 2022…”
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, bước chuyển mình đó có thể được coi như là một sự “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng.
Cụ thể hóa chủ trương đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về Tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030 là: “Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao”.
Để thể chế hóa đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng và logistics là các ngành dịch vụ ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.
Hội thảo có 6 báo cáo chính tập trung làm rõ những nội dung về: Công nghệ đám mây: Động lực chính trong chuyển đổi số ngành tài chính; Phát triển các sản phẩm tín dụng xanh và mô hình ngân hàng xanh- Kinh nghiệm của BIDV; Đột phá và thúc đẩy kinh doanh qua nền tảng tài chính; Thương mại 2023: Công nghệ không tiếp xúc và token hóa thúc đẩy phát triển thành toán không chạm; Chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; và Ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số cho các đơn vị kinh doanh.
Trong phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và làm rõ các vấn đề như: các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; giải pháp huy động vốn thực hiện những dự án tăng trưởng xanh hiện nay; chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như thế nào; đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng các công nghệ không tiếp xúc và thúc đẩy thanh toán không chạm hiện nay; cơ chế phối hợp giữa các bên để thúc đẩy quá trình quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cho đất nước; và đánh giá việc chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh trong ngành dịch vụ tại Việt Nam.