Sản phẩm OCOP tạo chuỗi giá trị gia tăng
UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 363/KH-UBND ngày 15/5/2023, về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá bằng nhiều hình thức nhằm tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ DL gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc đẩy mạnh chương trình sản phẩm OCOP có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp cho đời sống người dân ở nông thôn An Giang được cải thiện.
Tính đến nay, tỉnh An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có: 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 40 - 50 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 10 sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên. Đồng thời, rà soát sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết 36 tháng; ít nhất 5 sản phẩm đề xuất đánh giá nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.
Tăng cường chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm OCOP
Tại Kế hoạch 363/KH-UBND của UBND tỉnh, ngày 15/5/2023 về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023, cùng với hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm nay, tỉnh An Giang còn quyết tâm hoàn thiện quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025; cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP, nhằm phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử. Trong đó, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ DL gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP.
Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sự kiện xúc tiến thương mại tại các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường DL trọng điểm; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với điểm bán lẻ, siêu thị, hệ thống phân phối... Đồng thời, lựa chọn 1 - 2 sản phẩm OCOP uy tín, đầy đủ thủ tục (mã vùng trồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế…) xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu.
An Giang đã phối hợp xây dựng, tham gia hệ thống trưng bày sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và một số tỉnh, thành phố lớn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh An Giang gắn với khai thác lợi thế về DL nông thôn; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua combo quà tặng, quà biếu.
Để cụ thể hoá Kế hoạch 363/KH-UBND của UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các tỉnh thành, thành phố. Trong đó phải kể đến Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp vùng ĐBSCL, An Giang và Hải Dương trong khuôn khổ các hoạt động “Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - An Giang năm 2023”. Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp tỉnh An Giang và doanh nghiệp tỉnh Hải Dương là cơ hội để doanh nghiệp các tỉnh, thành bước đầu tiếp cận thị trường An Giang, tạo bước đệm để mở rộng thị trường Campuchia. Đồng thời cũng là dịp để các sản phẩm An Giang kết nối mở rộng thị trường sang tỉnh Hải Dương nói riêng và các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Trước đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP của 2 địa phương, với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp (DN), nhà phân phối.
Tham gia hội nghị, các DN của An Giang đã giới thiệu đến đối tác những sản phẩm mang tinh túy, văn hóa và phong vị quê hương. Có thể kể đến: Đường thốt nốt, khô cá lóc, tung lò mò, trà xạ đen… tạo ấn tượng đặc biệt cho các đối tác đến từ tỉnh Đắk Lắk. Ngược lại, những sản phẩm được kết tinh từ nắng, gió của vùng đất đỏ vùng Tây Nguyên cũng được trình làng với DN An Giang, như: Phở khô, cà chua bi, sản phẩm từ nghệ trắng, cà-phê, sản phẩm từ trái ca cao…
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: “Những năm qua, An Giang rất chú trọng mở rộng thị trường cho sản phẩm địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Hiện nay, 3 kênh phân phối chính của sản phẩm An Giang là: Xuất khẩu ra nước ngoài; phân phối vào hệ thống phân phối quốc gia, nhất là chuỗi cửa hàng, siêu thị; kết nối với các tỉnh, thành phố để tận dụng hiệu quả thị trường nội địa. Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh An Giang - Đắk Lắk là nhịp cầu quan trọng để mở rộng thị trường nội địa cho DN cả 2 phía”.
An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế như tiếp giáp với Campuchia có cửa khẩu quốc tế, quốc gia đường bộ và đường sông, là cửa ngõ của trục Đông - Tây thông thương giữa đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Tình hình xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiếp tục được tăng cường. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch qua địa bàn tỉnh An Giang năm 2022 đạt trên 1,155 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang đang ngày càng cải thiện. Trong đó, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng) dự kiến khởi công trong tháng 6 này. Ngoài ra, An Giang còn có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội… thu hút hàng năm trên 7 triệu lượt khách đến tham quan.