Tăng thêm giá trị cho trà shan tuyết
Trà shan tuyết là một trong những đặc sản của vùng cao. Nói đến trà shan tuyết, người ta thường nghĩ ngay đến sự tươi ngon tự nhiên, kết tinh từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng riêng có, sản xuất theo phương pháp thủ công với những kỹ năng, bí quyết gia truyền qua nhiều thế hệ… Nhưng để biến những đặc sản trà shan tuyết thành hàng hóa là một con đường dài, mà những người mới bước vào sẽ gặp rất nhiều khúc quanh, lối rẽ.
Nói “Trăm khúc quanh, ngàn lối rẽ” có lẽ cũng chưa diễn tả hết con đường xây dựng trà shan tuyết Sanam thành một thương hiệu ghi dấu ấn trên thị trường thế giới của một công ty chuyên về trà và đặc sản Tây Bắc. Có quá nhiều trở ngại có thể làm chùn chân bất cứ một doanh nghiệp nào, mà đầu tiên là con người. Người H'Mông ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, nơi lưu giữ những cây trà shan tuyết cổ thụ, có nhịp sống khá chậm, phần lớn bằng lòng với vật chất vừa đủ, chưa có ý chí vươn lên làm giàu. Họ trân trọng những lễ hội, các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống nên khá khó khăn trong tuân thủ nhịp độ sản xuất của theo văn hóa doanh nghiệp.
Vì thế, khi mới lên đây gây dựng cơ nghiệp, lãnh đạo Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc, chưa đưa họ vào “guồng” ngay, mà bắt đầu bằng điều giản dị nhất: khơi dậy lòng yêu cây trà shan tuyết cổ thụ. Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu dù ra sức thuyết phục, nếu hái đúng kỹ thuật “một tôm hai lá” thì trà shan tuyết thực sự là vàng xanh, vàng trắng, nhưng bà con không cảm nhận được đó là vàng, vẫn hái theo cách lâu nay vẫn làm, búp ra đến đâu hái đến đó. Để thay đổi nhận thức và tập quán canh tác quả không dễ dàng ở một nơi mà bà con phần lớn không biết chữ, có nhiều cô bé 13, 14 tuổi đã làm mẹ, rồi cái đói quanh năm đeo bám, chỉ trông chờ vào cây chè ra búp là hái ngay đem bán, không đủ kiên nhẫn chờ cho đúng độ “một tôm hai lá’.
Sau Công ty quyết định nâng giá thu mua búp tươi lên gấp đôi cho những ai hái đúng kỹ thuật “một tôm hai lá”, bà con vui vẻ làm theo. Điều bà con không ngờ là hái đúng kỹ thuật, mùa sau cây sẽ lại ra búp nhiều hơn, sản lượng tăng lên, thu nhập cao hơn. Từ đó, bà con đã cảm nhận được tình yêu thông qua mối liên hệ linh thiêng và mật thiết giữa người với cây trà - mối liên hệ mà con người có thể tác động khiến cây chè “vâng lời” theo những cách thức, kỹ thuật hái chè, chăm sóc chè.
Cũng nhờ tăng thêm giá trị cho cây chè, thu nhập ổn định, bà con có vốn mở rộng nuôi trâu bò, bò, đầu tư trang trại rau màu. Từ một xã Vùng III đặc biệt khó khăn, nhiều bà con Tà Xùa mua sắm được những tiện nghi đắt tiền như tivi, tủ lạnh, xe máy…
Con người là trung tâm
Trà cổ thụ ở Tà Xùa chủ yếu thuộc giống trà Shan Tuyết, với những búp non có màu trắng xám đặc trưng. Tên gọi của loại trà này còn được lý giải dựa trên màu sắc của những búp trà thành phẩm sau khi chế biến. Theo đó, sau khi hoàn tất các công đoạn sơ chế và sấy khô, trên bề mặt của những cánh trà Shan Tuyết cổ thụ luôn được phủ một lớp phấn trắng, nhỏ li ti giống như tinh thể tuyết. Ngoài ra, người dân địa phương còn gọi loại cây này bằng cái tên ngắn gọn là “chè tuyết”, bởi chúng sẽ bị đóng băng toàn bộ vào mùa đông trước khi tiếp tục đâm chồi nảy lộc và sinh sôi khi mùa xuân đến.
Vùng chuyên canh trà Shan Tuyết cổ thụ nổi tiếng nhất chính là Tà Xùa, thuộc địa phận huyện Bắc Yên, Sơn La. Việc nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển đã khiến khí hậu của khu vực này quanh năm lạnh buốt và phủ đầy sương gió. Hầu hết các điểm trồng trà Shan Tuyết cổ thụ ở Tà Xùa đều ít chịu tác động của con người, biến nơi đây trở thành thiên đường sản sinh ra nguồn trà organic hiếm có. Đặc biệt, dù phải sinh trưởng dưới điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vô cùng khắc nghiệt song những vườn trà Shan Tuyết cổ thụ ở đây vẫn quanh năm xanh tốt, tạo ra loại nguyên liệu với chất lượng cực kì vượt trội.
Dưới bàn tay khéo léo của những thợ làm trà có tay nghề, những búp trà non chọn lọc từ vườn trà organic Tà Xùa sẽ được chế biến thành đặc sản trà shan tuyết cổ thụ với hương vị thơm ngon khó cưỡng. Được mệnh danh là biểu tượng đại diện cho tất thảy tinh hoa của núi rừng Tây Bắc, trà Shan Tuyết với vị ngăm đắng đặc trưng làm ấm lòng những người vừa vượt qua nhiều khúc đường cua tay áo, đến với núi rừng Tây Bắc hoang sơ mà hùng vĩ.
Bản thân địa danh Tà Xùa cũng là một “thương hiệu” hấp dẫn. Là một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, núi Tà Xùa có độ cao khoảng 2.650m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiệt độ vào mùa hè không quá 28 độ C. Đây là điều kiện lý tưởng để dung dưỡng những cây chè shan tuyết cổ thụ, kết tinh nên hương vị đặc trưng nhờ búp lá ngậm sương mù quanh năm. Hơn thế nữa, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã công nhận 200 cây chè shan tuyết có tuổi đời từ 124 đến 280 năm ở Tà Xùa đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Thế nhưng Ban lãnh đạo Công ty nhận định rằng, việc lấy “Tà Xùa” làm thương hiệu có thể sẽ không hiệu quả. Bởi Tà Xùa, ngoài những cây trà shan tuyết cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, còn có những cây tuổi đời tính bằng năm, bằng chục năm. Nếu lấy địa danh làm thương hiệu, thì tất cả những cây chè trên đất Tà Xùa đều liên quan đến thương hiệu ấy. Hệ quả là, sản phẩm chè từ Tà Xùa nhưng chưa chắc đã là shan tuyết cổ thụ. Nếu Công ty dán nhãn hiệu Tà Xùa vào sản phẩm được canh tác, chế biến thủ công từ những cây chè trăm năm tuổi, cũng khó thuyết phục người tiêu dùng giữa nhiều loại sản phẩm chè từ Tà Xùa.
Trong tình thế đó, một ý tưởng táo bạo vụt loé lên, xây dựng thương hiệu riêng, có đủ sức “bảo lãnh” cho những cây chè shan tuyết cổ thụ ở Tà Xùa. Điều đó có nghĩa, thương hiệu ấy phải đảm bảo cho khách hàng được tiêu dùng đúng sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ với tất cả đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu ở Tà Xùa.
Từ đó, cái thương hiệu Sanam ra đời. Sanam có nghĩa là chè shan tuyết Việt Nam. Nhưng đây mới chỉ là tên thương hiệu, để đảm bảo Shanam trở thành một công cụ cạnh tranh, Công ty cần nuôi dưỡng thương hiệu dựa trên chuỗi giá trị phát triển bền vững. Rất may, chè shan tuyết cổ thụ ở Tà Xùa vốn đã mang trong mình nhiều yếu tố như vậy. Đầu tiên, đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, an toàn. Tiếp đó, là bí quyết canh tác, chế biến truyền thống.
Chừng ấy vẫn chưa đủ, nhất là trong trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài, thì yếu tố nhân văn được đánh giá rất cao trong một thương hiệu. Điều này Công ty đã làm được và làm rất tốt, với chính sách “3 phải”: Người hái chè phải là bà con; người bảo vệ cây chè phải là bà con; người hưởng lợi từ cây chè phải là bà con. Thương hiệu Shanam được đánh giá cao vì sản phẩm chất lượng, có mức giá hợp lý, cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo; đảm bảo trách nhiệm pháp lý (truy xuất nguồn gốc rõ ràng); nhưng cũng vì tầm nhìn, sứ mệnh và hành động thực tế trong những năm qua đã hỗ trợ phát triển kinh tế ở những vùng miền khó khăn, lấy con người làm trung tâm, khơi dậy tình yêu cây chè, gắn kết sợi dây thiêng liêng giữa con người và thiên nhiên hùng vĩ.
Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, với 50 dòng chè khác nhau, Shanam ghi dấu ấn trên thương trường quốc tế, đạt giải Bạc (không có giải vàng) tại cuộc thi trà khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải Đồng thế giới tại Pháp dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có sản phẩm đặc biệt tốt trên toàn thế giới; và Top 1 dòng trà xanh do tổ chức Tea Epiccure Hoa Kỳ xếp hạng.