Xây dựng mô hình du lịch gắn với sản phẩm OCOP
Lạc Dương là huyện có thế mạnh về phát triển nông sản và các sản phẩm nông thôn có tính đặc hữu vùng miền của tỉnh Lâm Đồng. Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP đang là cách làm được nhiều cá nhân, hộ dân của huyện Lạc Dương thực hiện và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Theo UBND huyện Lạc Dương, huyện có nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương như nấm hương Langbiang, nấm hương ăn liền của Công ty Cổ phần Nguyên Long; sản phẩm rau xà lách thủy canh của Công ty Trang trại Trường Phúc; sản phẩm cà phê Chappi của Công ty TNHH Daisy International; sản phẩm cà phê Arabica - Catimor… Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, miền đất, con người huyện Lạc Dương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch và ngành kinh tế nông nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương còn thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương với sự tham gia của 16 hội viên nhằm phát huy sự đoàn kết, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, quảng bá các sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương, đồng thời đồng thời tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng góp phần kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân thông qua việc gắn sản suất nông nghiệp với du lịch và thương mại dịch vụ.
Trong khi đó, tại khu vực ngoại ô TP. Đà Lạt, các địa danh Trại Mát, Khe Sanh, Cầu Đất được mệnh danh là “thủ phủ” của cây hồng và cũng là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở làm hồng treo gió. Hồng treo gió là sản phẩm độc đáo và hấp dẫn nổi tiếng tại Đà Lạt mà bất cứ du khách nào khi tới tham quan thành phố mơ mộng, xinh đẹp này cũng đều mê mẩn.
Không chỉ được hoà mình vào không gian khu vườn hồng treo gió rộng lớn, du khách còn được khám phá quy trình làm hồng sấy khô, chụp được những bức hình như ý mà còn được thưởng thức những trái hồng treo gió ngọt ngào, dẻo mềm. Những năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ sấy Nhật Bản, người dân địa phương đã làm ra sản phẩm hồng sấy khô bằng gió và nắng tự nhiên có chất lượng tương đương những quả hồng nhập khẩu, đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của tỉnh.
Ngoài hồng treo gió, khi đến Cầu Đất, du khách còn được tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói… tạo ra những sản phẩm của riêng mình nhưng mang thương hiệu nổi tiếng của địa phương tại Công ty Cổ phần chè Cầu Đất (thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt). Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các sản phẩm đồ uống thượng hạng, đạt chuẩn 4 sao OCOP Lâm Đồng, được công ty canh tác, thu hái và chế biến ngay tại vùng nguyên liệu tốt nhất của cả nước như trà ôlong, trà xanh, trà lài, trà sen, trà đen, cà phê phin…
Những sản phẩm OCOP đặc trưng của Lâm Đồng đã và đang đóng vai trò là những đại sứ du lịch, góp phần nâng giá trị du lịch của Lâm Đồng lên một tầm cao mới.
Tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đống gắn với sản phẩm OCOP
Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh về địa phương, con người một cách gần gũi và chân thật nhất.
Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP, thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng bảo đảm Bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng; từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.
Theo Kế hoạch 6195/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh sẽ xây dựng ít nhất 15 sản phẩm du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất và chế biến một số nông sản đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP gắn với mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, các tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại các vùng nông thôn (mô hình sinh thái kết hợp tham quan vườn trái cây, dược liệu, cà phê, rau, hoa gắn với trải nghiệm tham quan lòng hồ, thác nước, các điểm du lịch lân cận). Bên cạnh đó, kết hợp giữa mô hình du lịch làng nghề truyền thống với du lịch trải nghiệm, du lịch bản địa; mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông kết hợp nghỉ dưỡng theo 3 cụm không gian du lịch gồm TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch; cụm du lịch TP. Bảo Lộc và các vùng phụ cận; cụm du lịch các huyện phía Nam trở thành vệ tinh và phát triển điểm dừng chân…
Theo kế hoạch, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 250 sản phẩm OCOP (230 sản phẩm cấp tỉnh và 20 sản phẩm cấp quốc gia). Củng cố và nâng cấp ít nhất 50 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; voso.vn và trang thương mại điện tử nông sản tỉnh Lâm Đồng; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu trưng bày và bán sản phẩm OCOP.
Phủ sóng sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 214 sản phẩm OCOP của 123 chủ thể. Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao (2 sản phẩm đã được công nhận, 7 sản phẩm đã trình Trung ương xét duyệt); 94 sản phẩm 4 sao; 111 sản phẩm 3 sao. Phần lớn các sản phẩm được công nhận đều là những mặt hàng nông sản qua chế biến và đã có thương hiệu, chỗ đứng thị trường nhất định.
Từ tháng 12/2022 đến nay, trang thương mại điện tử www.nongsandalatlamdong.vn đã được vận hành, nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đưa các nông sản an toàn, sản xuất theo chuỗi liên kết lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cho nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông sản tại địa phương, từng bước thiết lập, kết nối xã hội hóa mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất các đơn hàng cho chợ thương mại điện tử.
Hiện nay, trang thương mại điện tử đã cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, trang www.nongsandalatlamdong.vn cũng cung cấp các thông tin chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, truy suất nguồn gốc...
Bước đầu kết nối, quảng bá, giới thiệu nông sản của Lâm Đồng đến thị trường trong nước và quốc tế như EU, Trung Đông, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cùng với đó, trang thương mại điện tử www.posmart.vn cũng đã đưa 65 nông sản xếp hạng OCOP 3 sao trở lên của Lâm Đồng lên sàn, tạo tài khoản cho hơn 50.750 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 6.000 tài khoản thanh toán điện tử. Các trang thương mại điện tử lớn của cả nước như tiktok shop, shopee, lazada, tiki, sendo... cũng đã và đang mở rộng không gian cho nhiều gian hàng kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản Lâm Đồng.
Tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng diễn ra tại TP Đà Lạt đầu tháng 8/2023; ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: “Thương mại điện tử được xem là giải pháp trọng tâm để hình thành một nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh cao và bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thương mại điện tử đã góp phần đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản, giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng tính kết nối một cách nhanh nhất”.
Trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển ít nhất 240 sản phẩm OCOP, trong đó có 228 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 12 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Phấn đấu nâng cấp 20% trở lên sản phẩm OCOP đã được phân hạng, ưu tiên sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu, dịch vụ, du lịch nông thôn. Chủ thể sản phẩm OCOP chiếm 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20% hợp tác xã, 10% làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, phấn đấu có 20% chủ thể xây dựng và triển khai chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định.