Trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao (vượt chỉ tiêu 2,9 lần so với kế hoạch Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm đề ra).
Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại…
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cơ chế chính sách cụ thể để phát huy lợi thế, tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP.
Ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã kết nối với Tập đoàn Techpal tham gia chương trình hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân phát triển thương hiệu và giải quyết đầu ra cho củ hành tím Vĩnh Châu. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, Techpal Sóc Trăng đã sản xuất thành công các sản phẩm hành túi lưới, hành lát sấy, hành bột, hành đen và viên nang hành. Sản phẩm nguyên liệu đầu vào đều đạt các chứng nhận HACCP. Hiện nay, đơn vị đã đầu tư đồng bộ quy trình sản xuất dành riêng cho từng mặt hàng được chế biến từ củ hành tím, như: máy phân loại, máy tách vỏ, máy rửa hành, máy cắt lát, máy sấy... giúp sản lượng tăng đáng kể, tiết kiệm thời gian, hạn chế nhân công. Hiện sản phẩm hành tím Vĩnh Châu Techpal được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đơn vị này cũng đang triển khai Dự án “Chế biến và bảo quản hành tím kết hợp chăn nuôi ứng dụng chuyển đổi” quy mô 45.000m2 tại thị xã Vĩnh Châu, với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng. Dự kiến hằng năm, đơn vị sẽ cung cấp ra thị trường 5.000 tấn hành tím.
Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu đã có mặt trên thị trường và 13 chuỗi siêu thị Co.opmart các tỉnh, thành trong khu vực. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu quy trình, kỹ thuật mới để hoàn thiện tiêu chuẩn hàng hóa, chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Quốc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín chia sẻ: “Trước đây, yến được sấy bằng nhiệt nên yến bị vàng và giảm thành phần dinh dưỡng. Sau khi được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa thì thành phẩm không chỉ bóng, đẹp hơn mà còn giữ được tối đa lượng dinh dưỡng. Cơ sở cũng vừa được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để làm mới mẫu mã sản phẩm khi sản phẩm yến sào được chứng nhận OCOP 3 sao.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Dự án Hỗ trợ nâng cao chất lượng một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tham gia dự án có 11 sản phẩm OCOP tiêu biểu của Sóc Trăng.
Mục đích của dự án là tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, tăng giá trị cho các sản phẩm OCOP bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thực hiện các giải pháp mới để nâng chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, làm nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng phối hợp với phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các chủ thể cải tiến công nghệ sản xuất; hỗ trợ các công ty, cơ sở tham gia chứng nhận HACCP, ISO trong chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để tham gia OCOP để các cơ sở, hộ kinh doanh đủ điều kiện tham gia tái công nhận sản phẩm OCOP, nâng hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao và 4 sao lên 5 sao.
Chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP
Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 – 4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các địa phương đã quan tâm, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên có sẵn trên địa bàn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chuẩn hóa sản phẩm OCOP nên bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương….
Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tích cực, chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng thông tin, vận động và tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh.
Sở Công Thương còn phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành xây dựng và xuất bản ấn phẩm xúc tiến thương mại, video clip để giới thiệu về từng loại sản phẩm OCOP của tỉnh; thực hiện tốt tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP; phối hợp tổ chức các sự kiện OCOP, các chuyến kết nối cung – cầu, tạo lập thị trường cho các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh.
Đặc biệt, Sở còn tham dự các Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tại các tỉnh, thành trong cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương Sóc Trăng đã tổ chức 08 đoàn công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ 85 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, sự kiện giao thương kết nối cung cầu hàng hoá tại các tỉnh, thành phố.
Thông qua hoạt động kết nối, các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng được trực tiếp tư vấn, trao đổi thông tin với đại diện các doanh nghiệp, đơn vị phân phối về các quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp,… từ đó, giúp doanh nghiệp tỉnh có định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử
Nhằm giúp cho doanh nghiệp thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thực hiện giao dịch, mua bán một cách nhanh chóng, hiệu quả, giảm bớt chi phí trung gian, Sở Công Thương đã ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Sóc Trăng vào đầu tháng 11/2022, với tên miền https://soctrangtrade.vn.
Tính đến nay, có 93 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đưa 248 sản phẩm (trong đó có 111 sản phẩm OCOP) lên Sàn soctrangtrade. Đồng thời Sàn liên kết với 16 Sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố.
Ngoài duy trì bán hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 63 doanh nghiệp tham gia đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lên các sàn Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, Voso, Postmart, với 108 sản phẩm. Cụ thể sàn Shopee có 9 sản phẩm (trong đó có 6 sản phẩm OCOP); sàn Sendo 12 sản phẩm (trong đó có 4 sản phẩm OCOP); 4 sản phẩm trên sàn Tiki; sàn Lazada 8 sản phẩm (trong đó có 5 sản phẩm OCOP); sàn Voso 77 sản phẩm (trong đó có 65 sản phẩm OCOP) và sàn Posmart với 70 sản phẩm (trong đó có 58 sản phẩm OCOP).
Bên cạnh đó, TT Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Sóc Trăng) còn cung cấp thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại; hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Công Thương, Trung tâm XTTM và các nền tảng mạng xã hội phổ biến Zalo, Facebook...
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Giám đốc TT Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Sóc Trăng), Sàn thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu và đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Tuy nhiên, để bắt kịp xu thế với các sàn thương mại của các tỉnh, thành phố khác cũng như các sàn thương mại uy tín khác, trong thời gian tới Sàn thương mại điện tử tỉnh cần cải tiến hơn nữa về tính năng, tiện ích… Sở Công Thương Sóc Trăng cũng sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh liên quan và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.
Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP
Để phát huy lợi thế, tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng nhiều chương trình, đề án nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm chủ lực, đặc thù. Trong đó, hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị máy móc cho 18 sản phẩm; hỗ trợ chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 62 sản phẩm, hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì nhãn mác cho 63 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 81 sản phẩm; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho 18 sản phẩm; xây dựng website, thương mại điện tử cho 53 sản phẩm.
Triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 89 doanh nghiệp, đơn vị xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy, tự công bố sản phẩm hàng hóa, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, cập nhật cơ bản những dữ liệu thông tin 116 sản phẩm của 27 doanh nghiệp lên hệ thống, hỗ trợ 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 5 trường hợp kết hợp với chỉ dẫn địa lý.
Năm 2023, tỉnh thống nhất hỗ trợ 18 sản phẩm, hàng hóa của 10 doanh nghiệp công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, hỗ trợ 9 doanh nghiệp thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất cơ bản.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức quản lý, điều hành hoạt động Trung tâm Thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh với chương trình khởi nghiệp, quáng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể và kết nối du lịch. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng tới hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP.
Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu với chất lượng đảm bảo, được thị trường đón nhận.