Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo các nguyên tắc của luật hợp đồng châu Á - so sánh với pháp luật Việt Nam

NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm giới thiệu, phổ biến với các học giả về dự thảo các quy định liên quan đến trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo Các nguyên tắc của luật hợp đồng châu Á (Principles of Asian Contract Law - sau đây viết tắt là PACL), một sáng kiến luật của các luật gia đến từ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong tương quan so sánh với luật Việt Nam. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, những vấn đề được lựa chọn nghiên cứu bao gồm các khái niệm, nguyên tắc về vi phạm hợp đồng và một số chế tài tiêu biểu do vi phạm hợp đồng được quy định trong PACL. Bài viết có thể được sử dụng như một nguồn tài liệu tham khảo cho những ai có quan tâm đến dự thảo PACL, nhằm đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo.

Từ khóa: PACL, vi phạm cơ bản hợp đồng, chế tài giảm giá, chấm dứt hợp đồng, bồi thường, phạt vi phạm.

1. Giới thiệu chung về Các nguyên tắc của luật hợp đồng châu Á (PACL)

PACL là một tập hợp những quy định về giao kết hợp đồng và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, được soạn thảo bởi một đội ngũ các chuyên gia là giáo sư, luật sư, nhà nghiên cứu luật đến từ các quốc gia khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một sáng kiến luật nhằm hài hòa hóa các quy tắc về luật hợp đồng giữa các quốc gia châu Á vốn dĩ có những sự khác biệt lớn xuất phát từ sự đa dạng của nền văn hóa, kinh tế và xã hội, thông qua việc trở thành một nguồn tham khảo để các quốc gia định hình nên các nguyên tắc về luật hợp đồng của mình, và là một cơ sở pháp lý hiệu quả để tòa án hay trọng tài đưa ra các phán quyết khi giải quyết các tranh chấp cho các quan hệ hợp đồng mang yếu tố nước ngoài. Nói cách khác, với tư cách là một sự lựa chọn mang tính chất tùy nghi, PACL có thể được các chủ thể thỏa thuận áp dụng cho các quan hệ hợp đồng của mình, đặc biệt là những hợp đồng có tính chất xuyên biên giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Được chấp bút lần đầu tiên bởi các thành viên là các chuyên gia luật đến từ ba quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến nay, PACL đã có sự tham gia của rất nhiều đại diện đến từ các quốc gia châu Á khác nhau, như: Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam, để nói lên tiếng nói của quốc gia mình nhằm làm cho PACL hài hòa hơn với luật nội địa.

Tuy với tham vọng biến PACL thành một luật mẫu về hợp đồng phục vụ riêng cho khu vực châu Á và được nghiên cứu soạn thảo bởi các đại diện đến từ các quốc gia, nhưng khác với Các nguyên tắc về luật hợp đồng châu Âu (PECL) hay Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), PACL lại hoàn toàn không phải là một dự án liên chính phủ, mặc dù kinh phí thực hiện suy cho cùng đều có nguồn gốc từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Nói cách khác, đại diện đến từ các quốc gia để soạn thảo PACL không phải là đại diện từ phía Chính phủ của một quốc gia nào, mà chỉ tham gia với tư cách cá nhân để đóng góp cho việc hoàn thiện PACL.

Cho đến thời điểm hiện nay, PACL vẫn còn là một dự thảo với khá nhiều nhiều góp ý và chỉnh sửa. Bài viết của chúng tôi đề cập đến các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng được đề cập trong Chương 6 Phần 1 của PACL. Đây là nội dung mà các nhà soạn thảo PACL đang tập trung hoàn thiện trong những năm gần đây.

2. Những quy định chung

Mở đầu cho Chương 6 về Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là các điều khoản liên quan đến các khái niệm cơ bản trong vi phạm hợp đồng. Điều 1 PACL quy định rằng, khi một bên trong hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ như đã giao kết, thì bên bị thiệt hại sẽ được quyền sử dụng các biện pháp chế tài đã được quy định trong Chương này. Theo đó, không thực hiện nghĩa vụ nghĩa là bất kỳ hình thức nào không tuân thủ với những cam kết phải thực hiện trong hợp đồng, bao gồm sự trễ hạn, sự khiếm khuyết hoặc chưa đầy đủ trong việc thực hiện hợp đồng1. Liên quan đến vấn đề này, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 (sau đây gọi là BLDS) cũng đã đưa ra khái niệm như thế nào là vi phạm nghĩa vụ và chế tài khi vi phạm nghĩa vụ. Cụ thể Khoản 1 Điều 351 BLDS quy định rằng, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Theo đó, vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. Như vậy, mặc dù câu chữ có sự thể hiện khác nhau, nhưng về mặt ngữ nghĩa, khái niệm về không thực hiện nghĩa vụ (hay vi phạm nghĩa vụ) được quy định trong PACL và BLDS khá tương đồng với nhau.

Bên cạnh khái niệm về vi phạm nghĩa vụ, PACL cũng đưa ra khái niệm về vi phạm nghĩa vụ cơ bản tại Điều 2. Theo điều này, việc vi phạm nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng được xem là vi phạm cơ bản nếu nó gây ra thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích mong đợi từ việc giao kết hợp đồng2. Về vấn đề này, BLDS cũng có quy định tương tự tại Khoản 2 Điều 423. Như vậy, có thể nói rằng liên quan đến các khái niệm trong không thực hiện hợp đồng, PACL và BLDS đã có sự tương thích với nhau về mặt nội dung.

Ngoài ra, bên cạnh quy định về vi phạm hợp đồng trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ, PACL còn quy định thêm trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng khi chưa đến hạn. Cụ thể, Điều 1-1 PACL nói rằng khi một bên bày tỏ rõ ràng, bằng lời nói hoặc hành vi rằng anh ta sẽ không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, thì bên kia có thể sử dụng các biện pháp chế tài ngay cả trước ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ3. Liên quan đến nội dung này, BLDS không có tuyên bố rõ ràng tương tự như PACL. Điều này có thể dẫn đến hai cách hiểu khác nhau: thứ nhất, do luật không quy định nên khi một bên thể hiện rõ ràng việc không thực hiện hợp đồng của mình, bên còn lại sẽ không được áp dụng biện pháp chế tài nào cho đến khi đến hạn nghĩa vụ; thứ hai, bên còn lại vẫn có thể áp dụng biện pháp chế tài ngay cả khi chưa đến hạn nghĩa vụ như hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có, được quy định tại Điều 4254, bởi trong điều luật này không thấy quy định rõ về thời gian khước từ việc thực hiện hợp đồng do không có khả năng thực hiện. Như vậy, nếu xét về sự rõ ràng, cụ thể của điều luật, quy định tại Điều 1-1 PACL có sự hợp lý hơn BLDS. Thực tế, khi một bên trong hợp đồng đã có sự tuyên bố về việc không thực hiện hợp đồng của mình thì bên còn lại nên được quyền áp dụng ngay biện pháp chế tài cần thiết để ngăn ngừa thiệt hại xảy ra hoặc làm giảm bớt thiệt hại (do có thể đã tiến hành những công việc cần thiết chuẩn bị cho việc thực hiện hợp đồng), mặc dù hợp đồng vẫn chưa đến hạn.

Bên cạnh đó, việc thông báo về vi phạm hợp đồng cũng được PACL đặt ra tại Điều 3 với nội dung khi một bên đã thực hiện theo hợp đồng và bên kia đã nhận và không từ chối, thì việc thực hiện hợp đồng xem như hoàn thành, trừ khi bên có quyền thông báo cho bên có nghĩa vụ về việc không phù hợp với hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý. Đối với luật Việt Nam, việc thông báo về sự không phù hợp với hợp đồng được BLDS quy định đối với hợp đồng mua bán hàng hóa tại Khoản 1 Điều 445 về bảo đảm chất lượng vật mua bán và được Luật Thương mại năm 2005 quy định tại Khoản 4 Điều 44 và Khoản 1đ Điều 237. Theo đó, người mua phải thông báo cho bên bán biết về sự khiếm khuyết của hàng hóa ngay khi phát hiện khuyết tật của hàng hóa (theo BLDS) hoặc trong khoảng thời gian hợp lý đối với hợp đồng thương mại hoặc trong khoảng thời gian 14 ngày đối với dịch vụ logistic (theo Luật Thương mại năm 2005). Tuy nhiên, khác với tuyên bố rõ ràng trong PACL, BLDS lại không có quy định nào liên quan đến việc nếu bên thực hiện hợp đồng không nhận được thông báo về sự khiếm khuyết trong thời gian hợp lý thì xem như việc thực hiện hợp đồng đã hoàn thành (ngoại trừ dịch vụ logistic được Luật Thương mại năm 2005 quy định tại Khoản 1đ Điều 237 như đã đề cập ở trên).

3. Chế tài do vi phạm hợp đồng

Về các chế tài do vi phạm hợp đồng, dù bằng cách này hay cách khác, cả PACL và pháp luật Việt Nam đều có những quy định về các chế tài cơ bản do vi phạm hợp đồng như buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, PACL và pháp luật Việt Nam cũng có quy định thêm về biện pháp yêu cầu giảm giá khi có vi phạm hợp đồng xảy ra.

Cụ thể, biện pháp có thể kể đến đầu tiên trong PACL là biện pháp yêu cầu giảm giá (Điều 11 PACL). Theo đó, nếu việc thực hiện nghĩa vụ không phù hợp với hợp đồng, bên bị vi phạm có thể từ chối, chấp nhận xem như hoàn thành hoặc chấp nhận và yêu cầu giảm giá theo công thức5:

Về phần này, luật Việt Nam cũng có quy định khá rõ về quyền yêu cầu giảm giá tại Điều 445 BLDS về bảo đảm chất lượng vật mua bán, Điều 447 BLDS về quyền yêu cầu bảo hành và Điều 519 BLDS về trả tiền dịch vụ. Tuy nhiên, luật Việt Nam lại không đưa ra một công thức cụ thể cho việc giảm giá như PACL. Điều này có thể hiểu là việc giảm giá nếu có sẽ tùy thuộc vào thoả thuận của các bên mà không buộc phải dựa trên một cách tính chuẩn mực nào.

Kế đến, các nội dung liên quan đến chấm dứt hợp đồng như là một chế tài của vi phạm nghĩa vụ được PACL lần lượt trình bày trong các điều từ 15 đến 20. Căn cứ vào các điều khoản này, bên bị vi phạm được quyền chấm dứt hợp đồng nếu vi phạm nghĩa vụ là cơ bản. Đối với vi phạm không cơ bản, bên bị vi phạm chỉ được chấm dứt hợp đồng nếu bên bị vi phạm đã đưa ra thông báo về việc gia hạn thực hiện nghĩa vụ phù hợp hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, nhưng bên vi phạm vẫn không thực hiện6. Trong mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng, PACL đều quy định bên bị vi phạm phải gửi cho bên vi phạm thông báo về chấm dứt hợp đồng. Nếu thông báo tuyên bố rõ ràng rằng hợp đồng sẽ chấm dứt theo một điều kiện nào đó thì khi điều kiện đó xảy ra, việc chấm dứt hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực7. Khi hợp đồng bị chấm dứt, các bên sẽ được giải phóng khỏi các nghĩa vụ trong hợp đồng và không được quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện thêm bất kỳ nghĩa vụ gì. Tuy nhiên, quy định về giải quyết tranh chấp và các quy định khác về chế tài vẫn có hiệu lực ngay cả khi hợp đồng bị chấm dứt8. Cũng liên quan đến hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng, PACL quy định thêm nội dung về việc bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia trả lại những gì đã nhận nếu chưa thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Nếu không hoàn trả lại được bằng hiện vật thì phải trả bằng giá trị nghĩa vụ đã được thực hiện. Nếu một bên đã chi trả cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên kia bằng tiền nhưng bên này vi phạm nghĩa vụ thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải hoàn trả lại số tiền đã nhận, kèm theo một khoản lãi tương ứng với thời gian bên có nghĩa vụ nắm giữ khoản tiền đó9.

Về những nội dung này, luật Việt Nam có những quy định vừa giống lại vừa khác với PACL. Sự giống nhau thể hiện ở chỗ khi có vi phạm cơ bản xảy ra, bên bị vi phạm được quyền chấm dứt hợp đồng (Điều 423 BLDS về hủy bỏ hợp đồng, Điều 428 BLDS về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, Điều 310 Luật Thương mại năm 2005 về đình chỉ thực hiện hợp đồng, Điều 312 Luật Thương mại năm 2005 về hủy bỏ hợp đồng). Tuy nhiên, về hậu quả của chấm dứt hợp đồng, luật Việt Nam lại có cách quy định riêng căn cứ các trường hợp chấm dứt hợp đồng (Điều 422 BLDS). Theo đó, nếu hợp đồng bị chấm dứt trong trường hợp bị hủy bỏ thì hợp đồng được xem là không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết và như vậy các bên không phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ các thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp. Nói cách khác, nếu rơi vào trường hợp hủy bỏ hợp đồng, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không thực hiện được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền (Điều 427 BLDS, Điều 314 Luật Thương mại 2005). Ta có thể thấy nội dung này rất giống với quy định về hậu quả trong việc chấm dứt hợp đồng của PACL được trình bày ở trên. Còn nếu chấm dứt hợp đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng (theo BLDS) hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng (theo Luật Thương mại 2005) thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Trong trường hợp này, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ các thỏa thuận liên quan đến chế tài vi phạm và giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng (Khoản 3 Điều 428 BLDS, Khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại 2005). Nói cách khác, liên quan đến hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ cơ bản, luật Việt Nam có cách đối xử rất khác nhau: Đối với hủy bỏ hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết nên toàn bộ giao dịch theo hợp đồng đều bị hủyuỷ bỏ; còn đơn phương chấm dứt hợp đồng hay đình chỉ thực hiện hợp đồng thì hợp đồng chỉ chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt, và do vậy các giao dịch trước thời điểm này vẫn có hiệu lực. Nghĩa vụ gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cũng chỉ đặt ra đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng (Khoản 2 Điều 428 BLDS, Khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại 2005).

Đối với quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, có thể nói rằng giữa PACL và luật Việt Nam có sự tương đồng với nhau. Cụ thể theo Điều 22 PACL, Điều 360 BLDS và Điều 302, 303 Luật Thương mại năm 2005, khi có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, ngoại trừ có quy định hoặc thỏa thuận khác10. Thiệt hại được bồi thường là toàn bộ thiệt hại, bao gồm thiệt hại thực tế và trực tiếp về vật chất và về tinh thần mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do bên vi phạm gây ra (Điều 23 PACL11 , Điều 419, 360 BLDS, Điều 302 Luật Thương mại năm 2005). Bên cạnh đó, PACL quy định thêm rằng tổn thất trong tương lai cũng có thể được xem xét để bồi thường nếu khả năng có được lợi ích này là điều chắc chắn12. Tương ứng với quy định này, Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 quy định rằng giá trị bồi thường thiệt hại cũng có thể bao gồm khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Theo chúng tôi, ở một chừng mực nào đó, nội hàm của hai quy định này khá tương đồng nhau, do tổn thất trong tương lai mà PACL nhắc đến cũng là một dạng lợi ích trực tiếp được đề cập trong Luật Thương mại năm 2005 mà bên bị vi phạm chắc chắn sẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm xảy ra.

Ngoài ra, PACL cũng có quy định liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng. Căn cứ vào Điều 27 PACL, nếu hợp đồng có quy định về phạt vi phạm thì bên bị vi phạm được quyền yêu cầu bên vi phạm phải nộp khoản tiền đó, không phụ thuộc vào giá trị thiệt hại là bao nhiêu. Quy định này cũng tương tự như luật Việt Nam, cụ thể tại Điều 418 BLDS và Điều 300 Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên, PACL cũng quy định thêm rằng, số tiền phạt vi phạm này có thể được điều chỉnh tăng lên hoặc hạ xuống sao cho không quá chênh lệch với tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Vấn đề này vừa giống lại vừa khác với luật Việt Nam. Cụ thể, là trong khi BLDS không quy định một giới hạn tối đa cho số tiền phạt vi phạm (Điều 418 BLDS) thì Luật Thương mại năm 2005 lại quy định hạn mức cho số tiền này là không quá 8% trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại năm 2005). Nói cách khác, trong khi BLDS cho phép các bên tự do thỏathuận một số tiền phạt vi phạm không phụ thuộc vào mức độ tổn thất, thì Luật Thương mại năm 2005 lại khống chế mức trần nhằm không cho phép số tiền phạt vi phạm tăng quá cao so với thiệt hại thực tế xảy ra.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Art. 1 Dự thảo PACL: “Where a party fails to perform an obligation under the contract, the other party who is aggrieved by such non-performance may resort to any of the remedies as provided for in this Chapter. Failure to perform an obligation refers to any form of non-compliance with the contract

2 Art. 2 Dự thảo PACL: “One party’s failure to perform an obligation under the contract is fundamental if it results in such detriment to the other party to deprive him of substantially what he is entitled to expect under the contract”.

3 Art. 1-1 Dự thảo PACL: “When a party manifestly expresses, by words or by conduct, that he will not perform an obligation under the contract, the other party may resort to the remedies even before the due date of the performance”.

4 Điều 425 BLDS năm 2005: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

5 Art. 11 Dự thảo PACL: “If the performance that has been tendered does not conform to the contract, the aggrieved party may reject the tender, accept the tender as complete performance, or accept the tender and claim to reduce the price in the same proportion of the value of the performance at the time it was tendered against the value that the conforming tender would have had at that time.

6 Art. 16 Dự thảo PACL: “(1) A party may terminate the contract if the non-performance of the other party is fundamental. A party may terminate the contract if fundamental non-performance of the other party is anticipated in accordance with Article 21 (2). (2) In case that the delay is not fundamental, the aggrieved party may terminate the contract if he has given a prior notice of fixing a reasonable time and demanding performance within the period of time, and the non-performing party does not perform within such period of time. The aggrieved party may provide in the notice that the contract shall terminate automatically at the end of the period if the other party does not perform within the period.”

7 Art. 15 Dự thảo PACL: “A party may terminate the contract in accordance with the provisions of this Chapter by notice to the other party. Termination takes effect when such notice reaches the other party. If a notice of termination declares termination contingent on a certain condition, termination takes effect when such condition is satisfied”.

8 Art. 17 Dự thảo PACL: “(1) Termination of the contract releases both parties from their obligations under the contract and extinguishes their rights to require further performance under the contract. (2) Termination does not affect any provision in the contract for the settlement of disputes or any other term of the contract which is to operate even after termination.”

9 Art. 19 Dự thảo PACL: “(1) On termination of the contract, either party who has supplied to the other party under the contract but has not received, or has properly rejected, the counter-performance which should correspond to his performance may claim restitution of the thing which he has supplied and the natural or legal fruits derived from it. (2) If and to the extent that restitution of the thing supplied in the condition at the time of the performance or, of the natural or legal fruits deriving from it, is not possible, then a party who is entitled to restitution under Paragraph (1) may recover the equivalent value of those items for which restitution is not possible. (3) On termination of the contract a party may recover money paid for a performance which he has not received or has properly rejected. If a party is to make restitution of the money that he received, he shall pay interest on it from the date on which he received the money.”

10 Art. 22 Dự thảo PACL: “A party who is aggrieved by the other party’s non-performance is entitled to damages for loss caused by the non-performance, unless such non-performance is excused under Article 29.”

11 Art. 23 Dự thảo PACL: “(1) Damages include both any loss which the aggrieved party suffered and any gain of which he was deprived, taking into account any gain to the aggrieved party as a result of his avoidance of cost or harm. (2) Damages may include non-pecuniary loss such as physical suffering and emotional distress, if it is not normally recoverable by compensation of pecuniary loss.”

12 Art. 23 Dự thảo PACL: “(3) Future loss may be recognized if it is established with a reasonable degree of certainty.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự 2015, Cổng thông tin điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=183188)

2. Luật Thương mại 2005, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18140).

3. Nguyễn Ngọc Điện, Nguyễn Thị Hồng Nhung, “Vietnam national report on non-performance of contract”, Hội thảo về Principles of Asia Contract Law and Contract law of Individual Asian Country, Hankuk University of Foreign Studies, Seoul Korea, 2016, trang 247 - 312.

4. Jea Hyung Kim, “PECL, PACL, and Amendments to the Korean Civil Code”, A study on Draft Articles - Principles of Asian Contract Law - Performance and Non-performance II, chủ biên Young June Lee, Research Institute for Asia Private Law, Seoul, 2016, trang 7 - 10.

5. Kap-You Kim, “Keynote address”, A study on Draft Articles - Principles of Asian Contract Law - Performance and Non-performance II, chủ biên Young June Lee, Research Institute for Asia Private Law, Seoul, 2016, trang 1 - 6.

6. PACL members, “Dự thảo PACL”, Hội thảo về Principles of Asia Contract Law and Contract law of Individual Asian Country, Hankuk University of Foreign Studies, Seoul Korea, 2016.

LIABILITY FOR THE BREACH OF CONTRACT UNDER THE

PRINCIPLES OF THE ASIAN CONTRACT LAW

COMPARISON WITH VIETNAMESE LAW

● NGUYEN THI HONG NHUNG

Faculty of Law, University of Economics and Law

Viet Nam National University Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The article introduced the regulations regarding liability for breach of contract under the Principles of Asian Contract Law (hereinafter referred to as PACL), a legislative initiative of law professionals from different countries in the Asia Pacific region, in comparison with Vietnamese law. Within the scope of the article, the selected issues of study include concepts, principles of the non-performance and some typical sanctions for breach of contract as defined in the PACL. This article can be used as a reference resource for anyone interested in the draft of PACL, which contributes to the finalization of the draft.

Keywords: PACL, fundamental non-performance, discount, termination, damages, liquidated damages.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây