Nhằm hợp lý hoá quá trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, PINACO liên tục chú trọng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 140001, IATF 16946, ISO 17025… và các công cụ cải tiến 5S, 6 Sigma, Kaizen, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình, trong tháng 1/2020, PINACO đã thành lập nhóm cải tiến triển khai dự án Cải tiến năng suất dây chuyền lắp ráp bình ắc quy xe gắn máy 12N5 tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai nhằm giảm giá thành nói chung, đặc biệt là sản phẩm bình ắc quy 12N5 cung cấp cho hãng xe máy Yamaha.
Thuyết trình trong Cuộc thi, đại diện Nhóm cải tiến cho biết, áp dụng phương pháp TVP – Giá trị lý thuyết của sản xuất để phân tích từng hoạt động sản xuất của dây chuyền, từ đó phát hiện nhiều thao tác sản xuất không tạo ra giá trị, nhiều điểm nút thắt cổ chai trên dây chuyền sản xuất.
Từ đó, nhóm cải tiến đề ra các giải pháp triển khai đồng bộ nhằm cải tiến tổng thể dòng chảy sản xuất như sắp xếp lại layout sản xuất, cân bằng công đoạn, cải tiến một số công cụ sản xuất, thu nhỏ bàn thao tác… từ đó loại bỏ các thao tác thừa, tối ưu hoá công đoạn sản xuất.
Sau 6 tháng áp dụng các giải pháp, số lao động cần thiết trong dây chuyền đã giảm từ 20 người xuống còn 15 người, giúp tiết kiệm chi phí nhân công 900 triệu đồng/năm. Đồng thời, năng suất tại dây chuyền tăng thêm 2,27%, làm lợi cho đơn vị thêm 61 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, đây là dự án cải tiến điểm để PINACO rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra toàn bộ các khu vực sản xuất của Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai.
Dự kiến, trong năm 2021, hoạt động cải tiến bằng phương pháp TVP sẽ được công ty áp dụng tại tất cả các xí nghiệp, đơn vị thành viên của công ty, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu suất lao động.