Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam

Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng tăng 2,6% về lượng và tăng 25% về trị giá so với năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,39 triệu tấn cao su, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 25% về trị giá so với năm 2020; Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.636 USD/tấn, tăng 21,8% so với năm 2020.

Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, chiếm 87,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2021, với 1,21 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 30,4% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.665 USD/tấn, tăng 21,5% so với năm 2020.

Năm 2021, một số chủng loại cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cả về lượng và trị giá so với năm 2020, trong đó đáng chú ý như: SVR 3L tăng 18,4% về lượng và tăng 43,9% về trị giá; SVR 5 tăng 37,4% về lượng và tăng 64,8% về trị giá; Cao su tổng hợp tăng 259,6% về lượng và tăng 307% về trị giá.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 12,56 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc.

10 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2021

cao su

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 2,28 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 chiếm 18,2%, tăng so với mức 16,3% của năm 2020.

Về chủng loại nhập khẩu Trong năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 3,86 tỷ USD, tăng 25,4% so với năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Việt Nam.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc trong năm 2021 với kim ngạch đạt 257,58 triệu USD, tăng 1,2% so với năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 8,3% của năm 2020.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường lớn như Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà…

Trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 4,49 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.

Năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 1,77 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 39,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 31,8% của năm 2020.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào trong năm 2021; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia… so với năm 2020.

Thanh Xuân