Trung Quốc trước thế khó phát triển năng lượng tái tạo hay đảm bảo an ninh lương thực

Sau giai đoạn bùng nổ phát triển các dự án năng lượng tái tạo, Trung Quốc đang chịu sức ép lớn khi diện tích đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, đe doạ an ninh lương thực của nước này.

Các kế hoạch tăng tốc phát triển điện mặt trời và điện gió của Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức lớn do tình trạng lũ lụt, hạn hán và vấn đề đảm bảo nguồn cung lương thực. Thiên tai đang khiến Chính phủ Trung Quốc phải tính toán lại nước này sẽ phải đánh đổi bao nhiêu diện tích đất canh tác nông nghiệp để phát triển năng lượng tái tạo.

Kể từ khi Trung Quốc, quốc gia có dân số hơn 1,4 tỷ người, công bố mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2060, các dự án điện mặt trời và điện gió đã được tăng tốc triển khai với hàng loạt dự án quy mô lớn.

Hiện Trung Quốc là nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với khả năng tạo ra khoảng 679 Gigawatt điện gió và điện mặt trời, cùng với 390 Gigawatt thủy điện. Công suất điện mặt trời và điện gió của nước này hiện đã tăng hơn 20% so với hồi năm 2020. Theo kế hoạch của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc, nước này sẽ đạt mục tiêu tổng công suất phát điện lên đến 1.200 Gigawatt sớm hơn 5 năm so với kế hoạch nếu các dự án đã lên kế hoạch được triển khai đầy đủ.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và thời tiết khắc nghiệt trong thời gian gần đây đã cho thấy nước này dễ bị gián đoạn nguồn cung lương thực đến thế nào. Diện tích đất nông nghiệp có khả năng canh tác tốt của Trung Quốc tương đối hạn chế, nếu xét đến nhu cầu của 1,4 tỷ người. Những vùng đất tốt nhất ở các tỉnh miền Đông và miền Trung nước này thì đã bị đô thị hoá.

Điện mặt trời nổi
 Việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời và điện gió trong thời gian vừa qua tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực của nước này (Ảnh: Asia Financial)

Do đó, hãng tin Bloomberg cho biết khi Trung Quốc ưu tiên bảo vệ sinh thái và đảm bảo an ninh lương thực thì các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo sẽ ngày càng bị giám sát chặt chẽ hơn. Trong tháng 5 vừa qua, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã cấm các dự án điện mặt trời và điện gió trên một số tuyến đường thủy và hồ chứa nhằm bảo vệ sinh thái và ngăn chặn tình trạng phát triển quá mức có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lũ lụt.  

Chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét một dự thảo nhằm cấm phát triển các dự án điện mặt trời trên đất canh tác hoặc đất rừng. Điều này đang đặt các tỉnh phía Đông Trung Quốc vốn có mức độ đô thị hoá cao rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Chính quyền các địa phương này vừa phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính nhưng vừa phải bảo vệ đất canh tác.

Trên thực tế, các chuyên gia phân tích cho biết các dự án năng lượng tái tạo đóng góp vào ngân sách cho các chính quyền địa phương tại Trung Quốc cao hơn đáng kể so với hoạt động nông nghiệp. Do đó chính quyền một số địa phương tại nước này có thể sẽ vẫn cho phép phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Việc ưu tiên đảm bảo hệ sinh thái và an ninh lương thực có thể thúc đẩy các doanh nghiệp năng lượng tái tạo Trung Quốc thay đổi chiến lược phát triển. Một là tích hợp năng lượng tại tạo vào các hoạt động nông nghiệp mà không ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Ví dụ như lắp các hệ thống điện mặt trời áp mái trên nóc các chuồng gia súc và trang tại, hoặc bố trí các turbine điện gió theo cách không ảnh hưởng việc canh tác cây trồng.

Từ năm 2021, Trung Quốc đã khởi động các chương trình điện mặt trời áp mái. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ bao phủ hơn một nửa diện tích mái các tòa nhà công cộng và nhà máy mới bằng các tấm pin mặt trời.

Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo Trung Quốc cũng có thể  đẩy mạnh phát triển về phía Tây nước này, đến các vùng ít dân cư, vùng núi và sa mạc vốn có tiềm năng nông nghiệp thấp, hoặc tại các nơi đất đã bị thoái hoá như các mỏ than đã ngưng hoạt động.

Theo đó, các dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất lắp đặt 100 Gigawatt chủ yếu tại các vùng sa mạc của Trung Quốc đã bắt đầu được triển khai, 450 Gigawatt khác đang được lên kế hoạch triển khai vào năm 2030.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải giải quyết bài toán truyền tải điện khi các dự án điện này nằm cách xa hàng nghìn kilômét với các khu vực sử dụng điện. Để giải quyết khó khăn này, Trung Quốc đang xây dựng các đường truyền tải mới trên khắp đất nước. Quốc gia này hiện có 33 đường dây siêu cao áp.

Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc, công ty vận hành 88% lưới điện tại Trung Quốc, đang đầu tư 56 tỷ USD để xây dựng thêm 38 hệ thống đường dây từ năm 2021 đến 2025. Hầu hết tăng trưởng năng lượng tái tạo trong ba năm tới sẽ ở các sa mạc phía Bắc và phía Tây Trung Quốc, theo ông Peng Peng, Tổng thư ký Liên minh Tài chính và Đầu tư Năng lượng Mới Trung Quốc.

Tường Vy