[Truyền thống Công Thương] Cú “sốc” đầu đời của vị Bộ trưởng gắn bó với ngành Dệt may

Làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông quan tâm chỉ đạo phát triển điện lực, khoáng sản, cơ khí, hóa chất... nhưng những kỷ niệm vui buồn làm ông nhớ nhất, vẫn là ngành dệt may, dù ngành này đã “tặng” ông một cú “sốc” để đời. Đến giờ, ở tuổi 83, ông vẫn sinh hoạt Đảng ở một chi bộ trong ngành Dệt May.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) Đặng Vũ Chư
Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) Đặng Vũ Chư

Tháng 2 năm 1990, ông Đặng Vũ Chư được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, thì tháng 8 năm ấy, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ. Ông nhận được thông tin này vào một buổi chiều chủ nhật từ Đại sứ nước ta tại Liên Xô Nguyễn Mạnh Cầm. Đọc bức điện mà người ông run lên. Đúng là cú “sốc” đầu đời!

Nguyên Bộ trưởng Đặng Vũ Chư giải thích thêm, thật ra, trong cuộc đời ông có vô số cú ‘sốc”. Thuở thiếu thời, ông từng đuối nước, nhờ người hàng xóm tên Lượng kịp thời bơi ra cứu mà thoát khỏi tay “hà bá”; có lần vào rừng kiếm củi gặp hổ, phải quăng cả gánh củi chạy thoát thân. Thời thanh xuân, khi xuống Nhà máy Gỗ dán Cầu Đuống sửa chữa dây chuyền máy phay gỗ tự động của Đức, quản đốc phân xưởng cứ nghĩ không có ai (vì hôm đó là chủ nhật) đóng cầu dao điện, một tiếng nổ rầm vang, ông ngất xỉu tại chỗ, mọi người lôi ông ra từ đám khói mang đi cấp cứu. Một lần khác, theo lời mời của Nhà máy Đường Sông Lam, Nghệ An, ông vào sửa chữa máy phát điện. Khi đạp xe qua Khe Nước Lạnh ở Khoa Trường, Thanh Hóa, phát hiện thấy tốp máy bay Mỹ lấp ló đầu ngọn núi, ông quẳng xe đạp chạy vào hang đá thì bom dội xuống, đất cát tung tóe phủ đầy lên chiếc xe đạp. Sau đợt bom, ông biết phải nhanh chóng thoát khỏi Khe Nước Lạnh, vì đường sắt, đường bộ đều đi qua khe này, máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá. May sao vừa thoát khỏi khe thì đợt bom thứ hai dội xuống, đúng vào nơi ông quẳng xe đạp trước đó ít phút…

Nhưng ông bảo, đấy là những cú “sốc” chỉ liên quan đến bản thân mình. Khi Liên Xô sụp đổ, đó mới thực sự là cú “sốc” đầu đời, nó liên quan đến hàng vạn lao động, mà ông là Bộ trưởng, người đứng mũi chịu sào. Trước năm 1990, ngành Dệt may nước ta  khá yên ổn với Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô ngày 19/5/1980, thường được biết đến với tên gọi: Hiệp định 19/5. Theo đó, mỗi năm Liên Xô cung cấp cho nước ta 6 vạn tấn bông, một nửa giá trị số bông đó Việt Nam trả bằng sản phẩm may mặc, chủ yếu là quần áo bảo hộ lao động; một nửa số bông còn lại chính là tiền công, được ta dùng may mặc phục vụ nhu cầu nội địa, trong đó có cả lực lượng vũ trang. Liên Xô sụp đổ, ta không chỉ mất nguồn nguyên liệu bông mà còn mất luôn thị trường xuất khẩu.

Lúc còn là Giám đốc Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, chỉ với hàng nghìn công nhân thời bao cấp, ông đã thấu hiểu lắm. Nhà máy như một xã hội thu nhỏ, lãnh đạo phải lo sản xuất, kinh doanh, lo đời sống cho người lao động, lo cân thịt, hộp mứt mỗi khi Tết đến, xuân về, lo trật tự an toàn xã hội trong Nhà máy, ở ngoài khu tập thể. Huống hồ cú "sốc" này liên quan đến hàng vạn lao động của toàn ngành Dệt may,, cũng tức liên quan đến hàng vạn gia đình, không có nguyên liệu sản xuất, họ sẽ sống ra sao? Mà lúc đó thời kỳ bao cấp, khả năng tích lũy, dự trữ của người lao động rất thấp, gián đoạn sản xuất chỉ một tuần thôi cũng ảnh hưởng ngay đến đời sống của họ. Khi đời sống vật chất bị ảnh hưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ hết sức phức tạp.

Ngay chiều chủ nhật ông nhận được điện từ Đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm, đến buổi tối Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Đỗ Mười đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh gọi điện hỏi: Cậu đã nhận được điện từ Đại sứ quán ta ở Liên Xô chưa?”.

“Nhận được rồi ạ”, ông trả lời. “Giải quyết thế nào bây giờ?, Chủ tịch hỏi. Trong đầu ông bỗng lóe lên ý tưởng, ông đáp: “Có khoản viện trợ không hoàn lại của Thụy Điển cho ta để hỗ trợ nhập khẩu, xin Chính phủ  dành cho ngành Dệt để mua bông”.  Tối chủ nhật hôm ấy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười bay ra Hà Nội để sáng thứ hai tổ chức cuộc họp khẩn cấp và quyết định dành 18 triệu USD mua 1 vạn tấn bông.

Nhưng 1 vạn tấn bông cũng chưa đủ cân đối sản xuất trong nước, ông xin phép Chính phủ sang Liên Xô đàm phán nốt 2 vạn tấn bông còn lại theo Hiệp định 19/5. Cuộc đàm phán này kéo ông đi suốt từ Matxcơva đến Uzbekistan cũng mới chỉ thống nhất được nguyên tắc hàng-đổi hàng, đổi bông lấy thực phẩm. Tiếp đến, đoàn bạn bay sang Hà Nội, rồi vào TP. Hồ Chí Minh đàm phán tiếp, khó khăn chủ yếu là giá cả và loại hàng, vì lúc này ta cũng không dư dả về thực phẩm, mà bạn đang rất cần. Căng thẳng tới mức, đến tận 1h sáng hôm đoàn bạn về, 2 bên mới ký kết được hợp đồng. Ta lấy đủ 2 vạn tấn bông và trả cho bạn thịt, chè, hạt tiêu… Thật là một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử ngoại thương.

Có nguyên liệu rồi, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn gặp khủng hoảng, vì thị trường Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước kia thường được “bao cấp” theo hình thức hàng đổi hàng thì nay không còn nữa, doanh nghiệp chưa thích ứng được với chuyện tự tìm kiếm khách hàng, và sản xuất theo yêu cầu của thị trường, trong khi đó, Mỹ vẫn chưa bỏ cấm vận. Năm 1991, xuất khẩu dệt may chỉ đạt 123 triệu USD, giảm 45% so với năm 1990.

Vì thế, ông lại bay sang trời Âu quyết tâm vận động các nước trong Cộng đồng châu Âu đàm phán hiệp định dệt may với Việt Nam. Nhưng Ủy ban châu Âu chỉ cử một vụ trưởng ra tiếp, lấy cớ Việt Nam vẫn chưa có nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí chủ đạo.

Không nản lòng, năm sau, ông dẫn đoàn Bộ Công nghiệp nhẹ tiếp tục sang châu Âu. Lần này trong đoàn có một số doanh nghiệp dệt may tư nhân. Trước khi sang trụ sở Ủy ban châu Âu ở Bruxelles, Vương quốc Bỉ, đoàn dừng chân ở Pháp và Đức. Ở đâu, gặp quan chức chủ nhà hay hội thảo, ông đều mời doanh nghiệp tư nhân dệt may phát biểu trước. Đến Bruxelles, Ủy ban châu Âu cử một bộ trưởng ra tiếp đoàn và tuyên bố đồng ý đàm phán Hiệp định Dệt may với Việt Nam.

Kết quả, Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Buôn bán hàng Dệt may; đồng thời Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 114/HĐBT cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền xuất nhập khẩu; cho phép mọi hàng hóa (trừ danh mục hàng hóa do nhà nước quản lý) được xuất nhập khẩu. Nghị định 114 và Hiệp định Buôn bán hàng Dệt may với EU đã chắp cánh sản xuất và xuất khẩu cho ngành. Năm 1995, với việc thành lập Tổng Công ty Dệt may, đã mở đường cho sự ra đời của Chiến lược phát triển toàn ngành; cho phép tăng tốc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đặt trọng tâm vào thiết kế các sản phẩm mới, tạo bước nhảy vọt về chất lượng và năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Chỉ trong 8 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng gấp 12 lần, từ 158 triệu USD năm 1992 lên 1,9 tỷ USD năm 2000.

Trong một buổi ngồi nói chuyện thân mật với Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng nói với ông: “Hồi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan vỡ, thiết tưởng ngành Dệt may xuất khẩu được vài trăm triệu USD đã là quý, thế mà giờ đây anh em xuất khẩu được vài chục tỷ USD, thật đáng trân trọng!”.

Tháng 10 năm 1995, 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng và Công nghiệp nhẹ hợp nhất thành Bộ Công nghiệp, ông làm Bộ trưởng, đến năm 2002 thì nghỉ hưu. Làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ông quan tâm chỉ đạo phát triển điện lực, khoáng sản, cơ khí, hóa chất... nhưng những kỷ niệm vui buồn làm ông nhớ nhất, vẫn là ngành dệt may, dù ngành này đã “tặng” ông một cú “sốc” để đời.

Xin được nói thêm về vị Bộ trưởng gắn bó sâu đậm với ngành Dệt may: Từ thời thanh niên, sau 5 năm học tập và nghiên cứu bên Tiệp Khắc, nay là CH Séc, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: "Điều khiển tối ưu độ đều con cúi trên dây chuyền kéo sợi tự động theo quá trình ngẫu nhiên"; cho đến giờ, ở tuổi 83, ông đang sinh hoạt Đảng ở một chi bộ trong ngành Dệt may.

Đà Bắc