[Truyền thống Công Thương] Từng có thời kỳ chênh lệch xuất khẩu-nhập khẩu luôn bằng “0”

Trong thời kỳ bao cấp, điều quan trọng và thú vị hơn cả, mọi bàn luận và cân nhắc cuối cùng vẫn phải hướng đến mục tiêu tối thượng: tổng kim ngạch xuất khẩu phải bằng tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khảo sát tiến độ xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khảo sát tiến độ xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình do Liên Xô viện trợ giúp ta xây dựng

 

“Trên rộn ràng, dưới rảnh rang”

Ở tuổi 90, ông Lê Kim Lăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương) vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông tự nhận mình không phải là “dân Ngoại thương gốc”. Trên chiến khu Việt Bắc, ông ở Ban Kinh tế thuộc Văn phòng Chính phủ. Miền Bắc được giải phóng, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông chuyển sang đây. Điểm dừng chân tiếp theo là Bộ Ngoại thương.

Theo ông, hoạt động ngoại thương trong thời kỳ bao cấp có nhiều điểm đặc biệt và thú vị. Thời kỳ đó, công tác quản lý xuất nhập khẩu dựa trên nguyên tắc Nhà nước độc quyền ngoại thương. Mọi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá đều phải có giấy phép. Hàng hoá xuất nhập khẩu ở đây có nội hàm khá rộng, được hiểu là hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, hàng mẫu, hàng triển lãm, quảng cáo, hàng tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu, hàng vận tải quá cảnh... kể cả các văn hoá phẩm và bằng sáng chế phát minh có tính chất hàng hoá; hàng nhập khẩu bằng nguồn ngoại tệ vay nợ, viện trợ và các loại hàng phi mậu dịch. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá là Bộ Ngoại thương.

Đơn vị nào được kinh doanh xuất, nhập khẩu? Ông Lê Kim Lăng cho biết, có 3 đối tượng được cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá. Thứ nhất, các tổng công ty, công ty chuyên doanh ngoại thương do Bộ Ngoại thương trực tiếp quản lý. Thứ hai, các tổng công ty, công ty, liên hiệp các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp thuộc các cơ quan quản lý ngành sản xuất ở trung ương. Để được cấp phép, đối tượng này cần hội tụ các điều kiện: Có trình độ chuyên môn hóa và tập trung sản xuất cao, sản xuất chuyên về xuất khẩu hoặc chủ yếu để xuất khẩu, hoặc sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị thương phẩm của đơn vị .

Thứ ba là các liên hiệp công ty xuất nhập khẩu và công ty liên hiệp xuất nhập khẩu thuộc các địa phương do UBND tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, với các điều kiện: Có sản phẩm xuất khẩu là hàng của địa phương; mỗi tỉnh, thành phố chỉ được thành lập một tổ chức chuyên doanh xuất, nhập khẩu.

Vì độc quyền ngoại thương nên hồi đó có câu nói vui “trên rộn ràng, dưới rảnh rang”. “Trên” ở đây là Bộ Ngoại thương phải hoạt động hết công suất, đọc hàng trăm các báo cáo, tài liệu với vô số các dữ liệu thống kê, rồi dựa vào các định hướng, phân tích: Kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân, khả năng sản xuất, nhu cầu thị trường, chính sách bảo hộ sản xuất và đối với tiêu dùng ở trong nước, cam kết của Chính phủ ta với nước ngoài và nhu cầu của thị trường thế giới... để định ra hạn ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng năm với một số mặt hàng chủ yếu. Tiếp đến, căn cứ vào tổng hạn ngạch xuất khẩu để thống nhất với các Bộ, Tổng cục, UBND các tỉnh, thành phố, về hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của từng Bộ, từng tỉnh, trong đó đã phân bố cụ thể cho từng đơn vị kinh tế phù hợp với khả năng sản xuất và nhu cầu nhập khẩu của các đơn vị đó.

Không chỉ có vậy, để bảo đảm cân đối xuất khẩu-nhập khẩu, Bộ Ngoại thương còn “xin thêm việc”. Theo đề nghị của Bộ Ngoại thương, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đồng ý cho Bộ trích 25% hàng hoá nhập từ nghị định thư với các nước để đối lưu hàng xuất khẩu. Đối lưu nghĩa là Bộ Ngoại thương cung cấp vật tư thiết yếu cho sản xuất như xăng dầu, ô tô, máy kéo, máy đập, phân bón… về cho các địa phương, cho các cơ sở để họ có nguồn lực gia tăng mặt hàng và số lượng hàng xuất khẩu sang Bộ Ngoại thương xuất. Đây là điểm tựa vững chãi giúp hình thành nên nhiều tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu ngày càng lớn mạnh sau này như dệt may, da giày, đồ gỗ, mỹ nghệ, khoáng sản, chè, rau quả…

Còn “dưới” ở đây là các doanh nghiệp. Nói “rảnh rang” là vì họ chỉ phải lo khâu sản xuất, chế biến, đóng gói hàng hóa cho đúng quy cách. Các công đoạn khó khăn nhất, quyết định nhất đến lợi nhuận và sự phát triển của doanh nghiệp là tiếp thị, giá bán, thị trường tiêu thụ… đều được giải quyết bằng nghị định thư xuất nhập khẩu giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu tối thượng

Với tư cách là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Trưởng đoàn đàm phán các Nghị định thư xuất nhập khẩu hàng năm giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, ông Lăng bận rộn quanh năm. Chỉ riêng việc hướng dẫn và giúp đỡ các tổng công ty, công ty thuộc các Bộ khác và các địa phương được trực tiếp xuất nhập khẩu; cùng các Bộ, Uỷ ban chủ quản xác định chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu của đơn vị; giám sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nghĩa vụ có liên quan đến những điều ước và hợp đồng ký với nước ngoài đã ngốn gần hết quỹ làm việc hàng ngày của ông.

nghị định thư
Chè là mặt hàng luôn nằm trong danh sách xuất khẩu theo nghị định thư với các nước xã hội chủ nghĩa

 

Nhưng từ tháng 10 trở đi mới thực sự căng thẳng, bước vào thời gian nước rút chuẩn bị đàm phán nghị định thư xuất nhập khẩu với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu được thực hiện vào năm sau. Ông phải thường xuyên trao đổi với đại diện của các bộ Nông nghiệp, Nội thương, Vật tư, Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài… lên danh sách và hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cho từng mặt hàng. Sau đó rà soát, điều chỉnh lên xuống sao cho tổng kim ngạch xuất khẩu bằng tổng kim ngạch nhập khẩu.

Thông thường, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông lâm sản như chè, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thịt… nên việc xác định mặt hàng không phức tạp lắm. Khó khăn có chăng chỉ là đo lường được năng lực sản xuất, thu mua của các đơn vị làm hàng xuất khẩu, nhất là các đơn vị trực thuộc địa phương. Nhưng xác định mặt hàng và số lượng hàng nhập khẩu là cả một vấn đề. Vì lúc đó vật tư, máy móc, hàng tiêu dùng chúng ta thiếu nhiều, có thể nói ngành nào cũng thiếu, ngành nào cũng “kêu”. Nói về ưu tiên, lĩnh vực nào cũng đáng ưu tiên cả. Rất khó để cả quyết rằng, nhập khẩu máy móc, vật tư, nguyên phụ liệu về để làm hàng xuất khẩu, hay để tạo cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật cho nền kinh tế, hoặc để phục vụ tiêu dùng trong nước cần phải được ưu tiên trước nhất.

Tùy theo tình hình sản xuất và đời sống nhân dân từng năm mà đoàn đàm phán do Bộ Ngoại thương chủ trì sẽ quyết định ưu tiên mặt hàng và số lượng nhập khẩu. Nhưng điều quan trọng và thú vị hơn cả, mọi bàn luận và cân nhắc cuối cùng vẫn phải hướng đến mục tiêu tối thượng: tổng kim ngạch xuất khẩu phải bằng tổng kim ngạch nhập khẩu. Nói cách khác, chênh lệch xuất khẩu-nhập khẩu luôn luôn bằng “0”.

Phải chăng, năng lực sản xuất của đất nước trong thời mưa bom, bão đạn và vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh đã cân đối được nhu cầu? Không hẳn vậy! Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại thương Lê Kim Lăng bật mí, hàng xuất khẩu của ta chủ yếu chỉ đảm bảo được cho nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu các thiết bị lẻ, vật tư, tư liệu, nguyên liệu sản xuất. Còn thiết bị toàn bộ phần lớn được Liên Xô, Trung Quốc viện trợ hoặc cho vay để xây dựng nên các nhà máy: Cơ khí Hà Nội, Gang thép Thái Nguyên, Phích nước Rạng Đông, Xà Phòng Hà Nội, Nhiệt Điện Uông Bí, Thủy điện Thác Bà, hay Hóa chất Việt Trì…

Trà Lĩnh