Vì sao sân chơi MTV ASIA vẫn vắng bóng nhạc Việt?

Ngày nay, người Việt Nam không xa lạ với chương trình âm nhạc MTV được phát sóng liên tục trên các kênh truyền hình. Được thưởng thức nhiều cái hay, cái lạ của chương trình MTV thế giới, nhưng những n

 

 

            

MTV Asia – tiêu chí để người làm nhạc vươn tới:

Thế giới âm nhạc luôn phát triển mạnh mẽ và sôi động, cái tên MTV ngày nay đã trở thành một thương hiệu mạnh với MTV Euro, MTV Asia… và dường như, nó đã trở thành một tiêu chí để người làm nhạc vươn tới. Trên sân chơi mang đậm bản sắc văn hoá châu á là MTV Asia, những quốc gia không xa Việt Nam như Thái Lan, Inđônêxia, Singapo, Hàn Quốc, Hồng Kông…, âm nhạc của họ từ lâu đã tiếp cận được với sân chơi này và trở thành món ăn tinh thần quen thuộc cho công chúng yêu nhạc thưởng thức, nhất là giới trẻ. Vậy đối với âm nhạc Việt Nam, vì sao trong những năm qua, chúng ta đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều để đến với MTV Asia mà cho đến nay, vẫn có thể khẳng định rằng… chưa làm nên “cơm cháo” gì?

Môi trường âm nhạc Việt Nam có nhiều người “tài” như ca sĩ Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Phương Thanh, Lam Trường, Minh Quân, Mỹ Tâm…, rồi cả những người đạt danh hiệu Diva như  Hồng Nhung, Thanh Lam…, không phải họ không có tham vọng “cõng” âm nhạc Việt lên “đỉnh non cao” MTV Asia; mà sự thực, trong số đó, thậm chí có ca sĩ đã nỗ lực gửi đĩa hình đến trụ sở của MTV Asia đóng đô tại Singapo là MTV Asia LDC rồi chi nhánh tại Thái Lan. Thế nhưng, đa phần đều không có kết quả, thậm chí còn không được hồi âm.

 

Thử tìm lời đáp cho câu hỏi “Vì sao không được lên MTV”:

Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Vì sao ca sĩ Việt Nam không được lên MTV”, có rất nhiều vấn đề được đặt ra, song những “trọng tâm” được nói đến đó là do các ca sĩ tài năng của Việt Nam đa phần đã lớn tuổi, thường hát loại nhạc chứa đựng trong đó nhiều triết lý và khó nghe, không đáp ứng được tiêu chuẩn của MTV là kết hợp cả nghe và nhìn, phải tươi trẻ, sinh động, linh hoạt về tiết tấu.

Hơn nữa, có một thực trạng rất đáng buồn đó là, trình độ văn hóa của một số ca sĩ Việt Nam không cao, ngoài ra, họ vấp phải trở ngại lớn là rào cản ngôn ngữ, tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung còn quá yếu, thậm chí khi trình bày ca khúc quốc tế còn “ngọng líu ngọng lô” (vậy làm sao diễn tả được “cái hồn” của nhạc phẩm trong khi công chúng MTV lại thường đạt “trình độ cao” về tiếng Anh).

Chính vì vậy, cần khẳng định sự thua kém của các ca sĩ Việt Nam so với nhiều ca sĩ được lên MTV Asia là không đáp ứng được tiêu chuẩn đa văn hóa của MTV, Ca sĩ chúng ta thể hiện nhiều bài hát chỉ mang tính chất của một sản phẩm địa phương, không có tiếng nói đa văn hóa trong đó, không phù hợp với khả năng tiếp nhận của công chúng đa phương.

Thông thường, ở những nước có nền âm nhạc phát triển mạnh là những nước có môi trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, ca sĩ của họ khi “ra lò” có thể thích ứng với xu thế phát triển mới; trong khi đó ở nước ta, môi trường âm nhạc còn phát triển chậm, kém năng động và khó khăn trong vấn đề nắm bắt được nhịp sống của âm nhạc ngoài nước. Điển hình là chuyện chúng ta thiếu “những ông bầu” chuyên nghiệp để phát hiện ra ca sĩ tài năng; cách làm video clip qúa chậm về nhịp độ hình ảnh, non kém về ý tưởng và chất lượng kỹ thuật; với việc xét duyệt tác phẩm ở phạm vi sản xuất băng đĩa, người có thẩm quyền “ngại”(?) Anh ngữ (chính việc gợi ý bỏ phần Anh ngữ trong ca khúc nội địa hoặc không muốn cấp phép, thậm chí với ca khúc chỉ có vài câu tiếng Anh, đã làm nản lòng nhiều nhạc sĩ sáng tác). Do đó ca từ, nhạc Việt ít tiếng nói đa văn hóa là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, do thị phần truyền hình cáp ở Việt Nam còn quá nhỏ bé nên các công ty âm nhạc nước ngoài chưa dám đầu tư mạnh để kinh doanh. ở một số nước như Singapo, Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông..., họ đều có kênh truyền hình ca nhạc riêng, trong khi Việt Nam thì chưa. Cho nên, từ sự yếu kém này đã dẫn đến tình trạng chưa kích thích được sự phát triển của nền âm nhạc trong nước theo xu hướng chuyên nghiệp hóa, hoặc đơn giản chỉ là nâng cao các chương trình ca nhạc trên truyền hình.

Thay lời kết

Trước những nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng lớn của công chúng, chuyện vì sao sân chơi âm nhạc MTV Asia vẫn luôn vắng bóng các ca sĩ Việt Nam đã trở thành dấu hỏi lớn dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc trong nước. Một vài câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao” mà người viết bài này đã đề cập đến ở phần trên, có hay chăng cũng chỉ là sự gợi lại những điều mà những người hoạt động âm nhạc trong nước, trực tiếp  nhất là ca sĩ và nhạc sĩ đã biết, thậm chí còn “biết rồi, khổ lắm”.

Thế nhưng, có một thực tế, đó là biết rồi đấy, hiểu rồi đấy, nhưng chúng ta vẫn ở trong vòng luẩn quẩn của nỗi buồn mang tên “lực bất tòng tâm”
  • Tags: