Bộ Công Thương đánh giá, trong 5 tháng đầu năm 2023, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp khó lường, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm, thậm chí suy thoái, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, rủi ro tăng trở lại. Mặt khác, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng để tạo hàng rào nhập khẩu.
Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế...
Nhờ những nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 phục hồi tích cực, tăng 5% so với tháng trước, ước đạt 55,86 tỷ USD, nhưng giảm 12,3% so với cùng kì năm trước.
Sụt giảm đơn hàng và giá hàng hóa ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu hàng hoá ghi nhận sự phục hồi tích cực, ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước.
Bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hoá xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Chè giảm 7,9%, hạt điều giảm 1,5%, hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,1%, phân bón giảm 35,2%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,4%…
"Do tổng cầu trên thế giới giảm, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, vì vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng khác nhau", Bộ Công Thương nhận định.
Những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... với thị trường xuất khẩu chính là châu Á ít chịu tác động hơn.
Đồng thời, một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu... cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Nhập khẩu giảm, cán cân thương mại xuất siêu ổn định
Nhu cầu hàng hoá thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hoá nguyên liệu, phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2023.
Tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm nước. Riêng trong tháng 5/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 26,82 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng nước.
Do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng cần thiết (chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 110,9 tỷ USD. Đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, kim ngạch ước đạt 8,12 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,24 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 5 tháng đầu năm 2023 là 9,8 tỷ USD. Điều này góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, hỗ trợ công tác điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài
Thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng chưa thể lấy lại tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá ở các thị trường lớn đã giảm đáng kể, các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam sẽ cải thiện sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp cần tập trung để đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Cụ thể, tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu,… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan; quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tốc độ thông quan hàng hoá.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.
Mặt khác, đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
[Quảng cáo]