VinaCapital: Đơn hàng cho dệt may năm nay tích cực hơn nhưng sẽ bị chia nhỏ

Quỹ đầu tư VinaCapital vừa cho biết đơn hàng cho ngành dệt may Việt Nam năm nay sẽ tích cực hơn năm 2023 nhưng các đơn hàng lại bị chia nhỏ và theo hình thức giao gấp.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc giảm 3,1 tỷ USD (giảm 8,9%); xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (giảm 6,9%); xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (giảm 10,3%); và xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (giảm 16%).

Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường Quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, hoạt động xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của Việt Nam vẫn chưa bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2023 và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Dệt may Việt Nam
VinaCapital cho biết lượng đơn hàng mới cho ngành hàng dệt may trong năm nay sẽ ở mức tích cực hơn so với năm 2023.

Trong đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Giám đốc điều hành của hãng bán lẻ hàng đầu Mỹ Target cho biết người tiêu dùng Mỹ trong năm 2023 đã hoãn mua trang phục mùa đông cho đến khi thời tiết thật sự trở lạnh.

Đồng thời, khảo sát mới đây của Hiệp hội Ngành Thời trang Hoa Kỳ cho thấy có hơn 50% hãng thời trang cho biết đang tìm các nhà cung cấp ở ngoài châu Á nhằm tránh khả năng vi phạm Đạo luật Chống lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Chính phủ Mỹ.

Mặc dù nhiều đơn hàng may mặc từ Việt Nam xuất sang Mỹ không sử dụng bông hoặc các nguyên phụ liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của đạo luật UFLPA nhưng vẫn gặp vấn đề khi nhập cảng tại Mỹ. Trước đó, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam xác nhận bị dừng đơn hàng do liên quan đến đạo luật UFLPA.

Ngoài ra, một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy đến các nước có nhân công rẻ hơn, đặc biệt là Bangladesh. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh về giá đối với các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may
Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới trên toàn cầu đã chạm đáy. (Nguồn S&P Global, VinaCapital)

Tuy nhiên, ông Michael Kokalari cho biết, theo các nguồn tin trong ngành của VinaCapital, khách hàng quốc tế đã thông báo cho các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, nhưng các đơn hàng này lại được chia nhỏ hoặc ở dưới dạng đơn giao gấp nhiều hơn thay vì kế hoạch nhập hàng trước từ 6 - 12 tháng như trước đây.

Xem thêm: "Dệt may TNG: Đơn hàng mới từ Walmart, H&M… có thể giúp lợi nhuận năm 2024 tăng tới 47%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh của loạt hãng bán lẻ lớn tại Mỹ như Walmart, Targget, Best Buy…, VinaCapital đánh giá đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu đã sẵn sàng tăng trở lại, khi hàng tồn kho cuối năm 2023 của các hãng bán lẻ dự kiến giảm 5-7% so với cuối năm 2022.

Vào cuối năm 2022, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ đã tăng hơn 20% so với năm 2022, buộc các hãng phải nỗ lực giải quyết hàng tồn kho, kéo theo đó là đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu sụt giảm trong năm 2023.

Tình trạng thiếu đơn hàng là nguyên nhân chính làm giảm kết quả kinh doanh của loạt doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã cổ phiếu VGT), Dệt may Hoà Thọ (mã cổ phiếu HTG), Dệt may Huế (mã cổ phiếu HDM), Dệt may Thành Công (mã cổ phiếu TCM),…

Duy Quang