Diễn biến thị trường
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn hỏa tốc số 620/TCQLTT-TTKT ngày 27/3/2020 yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các chỉ đạo tại công văn số 430/TCQLTT-CNV ngày 7/3/2020, trong đó chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua gom hoặc định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Khi thực thi công vụ thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho công chức, người lao động trong lực lượng.
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ.
Tại Hà Nội, các quán bar, karaoke, cafe, nhà hàng, phòng tập gym... trên địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND thành phố. Người dân được khuyến cáo nên ở nhà, không ra ngoài trừ khi thật cần thiết như đi mua lương thực, thực phẩm.
Cục Quản lý thị trường thành phố đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiến hành rà soát các chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn để kiểm soát tình hình giá cả và việc cung ứng hàng hóa. Đồng thời tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh không tăng giá bất hợp lý, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thành phố vẫn giữ ổn định. Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn. Số lượng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, trung tâm thương mại được đảm bảo để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Vụ Thị trường trong nước liên tục cập nhật và cung cấp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Kết quả kiểm tra, xử lý
Ngày 30/3/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 35 vụ, xử lý 7 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 37 triệu đồng.
Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 30/3/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 7.372 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,9 tỷ đồng.
Một số vụ việc kiểm tra, xử lý
Ngày 27/3/2020, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra Chi nhánh công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu thiết bị Hoàng Hà, địa chỉ: 133/69 đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
Tại đây đang sản xuất khẩu trang hiệu Hafapro 4 lớp và khẩu trang Hafapro 3D trên bao bì có logo chữ H và chữ Hoàng Hà bên trên có ký hiệu ® nhưng công ty không xuất trình được hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vi phạm chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Thành phẩm có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc. Đội lập biên bản niêm phong toàn bộ thành phẩm gồm 131.000 cái khẩu trang giao Công ty bảo quản để xử lý.
Ngày 29/3/2020, Đội QLTT số 19, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở may khẩu trang tại địa chỉ 130 ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Đây là cơ sở chuyên sản xuất, gia công túi xách, ba lô.
Tại thời điểm kiểm tra Đội phát hiện tại đây đang chứa trữ 1.600 cái khẩu trang thành phẩm, 4 lớp, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 180 cái khẩu trang, 4 lớp, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và 1,8kg dây viền khẩu trang; 1,5kg dây quai đeo khẩu trang. Toàn bộ đều chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ.
Trong ngày 30/3/2020, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kết thúc xử lý 03 vụ, phạt tiền 32.250.000 đồng, tịch thu 4.750 chiếc và hoàn trả 6.500 chiếc khẩu trang.
Trong thời gian tới, Cục QLTT thành phố tiếp tục chỉ đạo các Các Đội QLTT chủ động quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hành hóa nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại...;
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với nhóm mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch Covid-19 và chữa bệnh.