Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về trị giá

Giá mủ cao su ở mức thấp và nhu cầu yếu đã ảnh hưởng đến trị giá xuất khẩu cao su của Việt Nam. Quý II/2023, xuất khẩu cao su tăng 1% về lượng nhưng giảm 19,9% về trị giá so với quý II/2022.

Quý II/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước có xu hướng giảm so với quý trước. Trong tháng 7/2023, giá mủ cao su nước duy trì ở mức 240-280 đồng/TSC. Tại tỉnh Phú Yên giá mủ nước duy trì ở mức 266 đồng/TSC; tại tỉnh Đồng Nai ở mức 240-245 đồng/TSC; tại Thành phố Hồ Chí Minh duy trì ở mức 250 đồng/TSC; tại Bình Phước ở mức 250-280 đồng/TSC; còn tại các tỉnh khác, giá mủ nước dao động quanh mức 240-255 đồng/TSC.

Tại các công ty cao su, giá mủ nước đang được thu mua trong khoảng 250- 270 đồng/TSC. Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 250-270 đồng/TSC; Công ty Cao su Phước Hòa mua với giá 262- 264 đồng/TSC; Công ty Cao su Đồng Phú giữ mức 270 đồng/TSC; Công ty Cao su Bình Long mua tại mức 259-269 đồng/ TSC. Công ty Cao su Bà Rịa thu mua ở mức 240-250 đồng/TSC. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá cao su trong nước vẫn duy trì ở mức thấp.

cao su
Giá mủ cao su ở mức thấp và nhu cầu yếu đã ảnh hưởng đến trị giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý II/2023.

Xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á chiếm 90%

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Quý II/2023 giá mủ cao su ở mức thấp và nhu cầu yếu đã ảnh hưởng đến trị giá xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý II/2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 384,04 nghìn tấn, trị giá 517,78 triệu USD, tăng 0,6% về lượng, nhưng giảm 2,5% về trị giá so với quý I/2023; so với quý II/2022 tăng 1% về lượng, nhưng giảm 19,9% về trị giá.

Về thị trường, trong quý II/2023, Việt Nam xuất khẩu cao su chủ yếu sang khu vực châu Á, chiếm tới 90,38% về lượng và chiếm 89,88% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 347,09 nghìn tấn, trị giá 465,37 triệu USD, tăng 1,8% về lượng nhưng giảm 1,6% về trị giá so với quý I/2023; so với quý II/2022 tăng 3,5% về lượng, nhưng giảm 17,7% về trị giá.

thi truong cao su

Trong quý II/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 75,23% về lượng và chiếm 73,93% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 288,9 nghìn tấn, trị giá 382,77 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với quý I/2023; tăng 12,8% về lượng, nhưng giảm 8% về trị giá so với quý II/2022.

Đứng thứ hai là xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ chiếm 7,26% về lượng và chiếm 7,44% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 27,88 nghìn tấn, trị giá 38,51 triệu USD, tăng 61% về lượng và tăng 55,7% về trị giá so với quý I/2023; Tuy nhiên so với quý II/2022 vẫn giảm 0,6% về lượng và giảm 24,3% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su tiếp tục giảm

Về chủng loại xuất khẩu, trong quý II/2023, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,09% về lượng và chiếm 64,76% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 246,14 nghìn tấn, trị giá 335,29 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với quý I/2023; tuy nhiên so với quý II/2022 tăng 24,9% về lượng và tăng 0,6% về trị giá.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,8% về lượng và chiếm 99,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, đạt 245,64 nghìn tấn, trị giá 334,22 triệu USD, tăng 24,8% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với quý II/2022.

chung loai cao su

Về giá xuất khẩu, trong quý II/2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giá cao su Skim block giảm 31,8%; Latex giảm 27,4%; RSS3 giảm 25%; SVR 10 giảm 21,8%; SVR CV40 giảm 21,1%; SVR CV50 giảm 20,9%...

Hoàng Phương