Xuất khẩu dầu của Nga đến châu Á qua đường biển tăng gần gấp 7 lần

Dữ liệu cho thấy Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang khu vực châu Á nhằm thay thế thị trường châu Âu truyền thống. Xuất khẩu dầu của Nga đến châu Á qua đường biển hiện cao gần gấp 7 lần so với hồi đầu năm nay.

Dữ liệu sơ bộ của hãng nghiên cứu thị trường Kpler (Singapore) cho thấy lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga trong 15 ngày đầu tháng 6 đạt tới 3,88 triệu thùng/ngày, tăng gần 7 lần so với mức trung bình ngày trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Trong tháng 5, lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga đạt trung bình 3,81 triệu thùng/ngày - mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là các đối tác nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga.

Thị phần của Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm lần lượt 30% và 20% tổng lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga. Tổng mức tăng trưởng nhu cầu nhập khẩu dầu thô của hai nước này hiện tăng tới 1 triệu thùng/ngày so với thời điểm cuối tháng 2 vừa qua.

Xuất khẩu dầu thô của Nga sang các quốc gia
 Diễn biến xuất khẩu dầu thô của Nga đến các quốc gia bằng đường biển qua các tháng gần đây (Đồ hoạ: S&P Global Platts)

Giới phân tích cho biết Nga đã giảm giá bán các sản phẩm dầu của mình đến 25% để thu hút các khách hàng mới. Dữ liệu của trang Statista (Đức) cho thấy giá dầu thô Urals của Nga hiện thấp hơn tới 33,67 USD/thùng so với giá dầu thô Brent; thông thường, hai loại dầu thô này có giá gần như tương đương.  

Các dữ liệu này càng cho thấy dòng chảy dầu thô của Nga đang dần được tái định hình, chuyển trọng tâm từ thị trường châu Âu sang thị trường châu Á. Trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga; trong khi đó, châu Á thường nhập khẩu dầu thô chủ yếu từ các quốc gia Vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Vừa qua, EU đã quyết định sẽ ngưng nhập khẩu tới 90% lượng dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Nga vào cuối năm nay nhằm gây áp lực tối đa lên các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.

Dữ liệu của Kpler cũng cho thấy so với thời điểm trước khi xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra thì xuất khẩu dầu thô của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 15 ngày đầu tháng 6 đã tăng gấp đôi, lên mức 260.000 thùng/ngày, và xuất khẩu sang Bulgaria cũng tăng gấp ba lần, lên 200.000 thùng/ngày. Bulgaria hiện vẫn được EU cho phép nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga qua đường biển tới cuối năm 2024 do "yếu tố địa lý đặc thù".

Nhập khẩu dầu thô từ Nga của EU trong nửa đầu tháng 6 vẫn ở mức khoảng 1,3 triệu thùng/ngày, gần tương đương so với mức trung bình trong tháng 5 nhưng giảm đáng kể so với mức 1,75 triệu thùng/ngày trong 2 tháng đầu năm nay. Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, EU đã phải tăng mạnh lượng dầu thô nhập khẩu từ các nguồn khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhập khẩu dầu thô từ Hoa Kỳ của EU hiện đạt 400.000 thùng/ngày, tăng 50% so với thời điểm hồi đầu năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết mặc dù sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga có thể giảm xuống nhưng việc giá dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô tăng vọt trên toàn cầu đã giúp doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 5 lên tới 20 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với tháng 4. Con số này gần như không đổi so với tháng 2 - thời điểm trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Tường Vy