Con số trên tương đương tổng lượng gạo xuất khẩu dự kiến của Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 đạt 48,5 triệu tấn.
Trong năm 2020, Ấn Độ xuất khẩu được 14,7 triệu tấn gạo, tăng 49% so với hồi năm 2019, chủ yếu nhờ xuất khẩu gạo non-basmati tăng mạnh 77%, lên mức cao kỷ lục 9,7 triệu tấn. Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng gạo lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch tập đoàn Olam tại Ấn Độ, cho biết việc tăng cường năng lực xử lý tại các cảng xuất khẩu gạo chính đã giúp Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu lượng gạo kỷ lục sang khu vực Châu Á và Châu Phi. Theo ông Nitin Gupta, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ trong năm nay có thể tăng gấp đôi năm ngoái, lên 18 triệu tấn; trong khi đó, lượng xuất khẩu gạo basmati sẽ ổn định tại mức 4 triệu tấn.
Kể từ hồi tháng 3/2020, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã liên tục ở mức thấp hơn đáng kể so với giá gạo Việt Nam và Thái Lan, thậm chí có thể thấp đến hơn 100 USD/tấn nếu như các hãng xuất khẩu gạo nước này áp dụng các mức chiết khấu cao. Điều này đã giúp Ấn Độ mở rộng đáng kể thị phần và thâm nhập nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam cũng như Thái Lan. Dữ liệu sơ bộ của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy nước này đã xuất khẩu được 12,84 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh ưu thế về giá, nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng xuất khẩu gạo chính Kakinada Anchorage Port, bang Andhra Pradesh đã cho phép xuất khẩu gạo qua một cảng nước sâu cạnh đó từ tháng 2/2021. Điều này đã giúp đẩy nhanh đáng kể tiến độ xuất khẩu gạo của bang Andhra Pradesh – bang có sản lượng gạo lớn nhất Ấn Độ.
Tuy nhiên, tình trạng giá cước vận chuyển container trên toàn cầu tăng vọt đã buộc các hãng xuất khẩu gạo phải chuyển qua dùng các loại tàu chở hàng khô rời cũng đang khiến khu vực cảng Kakinada Anchorage Port trở nên tắc nghẽn. Bang Andhra Pradesh hiện lên kế hoạch nâng cấp hạ tầng cảng này nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian bốc dỡ gạo xuất khẩu xuống ngang bằng với các cảng khác tại khu vực Đông Nam Á.