Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU: Thực trạng và giải pháp

TS. ĐẶNG THỊ HUYỀN ANH (Bộ môn Kinh tế - Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Việt Nam là nước có nhiều lợi thế trong sản xuất nông sản nhiệt đới. Vì vậy, cơ hội để xuất khẩu nông sản này sang các châu lục khác nói chung và EU nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta đang đánh mất thị phần trên thị trường EU và thị trường thế giới đối với hàng nông sản. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU trong thời gian tới.

Từ khóa: Xuất khẩu, nông sản, cà phê, gạo, rau quả, thị trường EU.

Liên minh Châu Âu (EU) là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quân đầu người lên tới 32.900 USD/người/năm. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu vào tháng 10/1990, quan hệ thương mại Việt Nam - EU không ngừng phát triển. EU trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động thương mại. Hiện nay, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

1. Thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU

1.1. Diễn biến chung

Trong bảng xếp hạng năm 2016 của EU về những đối tác thương mại nông sản lớn nhất (Bảng 1), Việt Nam chỉ là một thị trường xuất khẩu nhỏ của EU với tỷ trọng 1,1% nhưng lại là một trong những nguồn cung nông sản quan trọng đối với khu vực EU, đứng thứ 12 với khả năng cung ứng 2,2% nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU, xếp trên Thái Lan, New Zealand, Malaysia, Canada,…

Bảng 1: Bảng xếp hạng những đối tác thương mại lớn của EU trong nông sản
Nguồn: Europa

Kể từ sau hiệp định khung EU - Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường EU đến nay đã tăng gấp 6 lần: Từ 362 triệu USD năm 1999 lên 2,59 tỷ USD năm 2016 (Hình 1). Kim ngạch xuất khẩu nông sản đặc biệt tăng mạnh sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO 2007, từ 584,47 triệu USD năm 2005 lên 1,28 tỷ USD năm 2007. Về tỷ trọng, xuất khẩu nông sản sang thị trường EU luôn duy trì tỷ trọng 13% - 19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Hình 1: Diễn biến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU)
Nguồn: Tổng cục Hải quan, GSO

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU giảm đáng kể trong hai năm 2009 - 2010, từ 1.53 tỷ USD năm 2008 xuống còn 1.36 tỷ USD năm 2010. Sụt giảm xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này là do ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2010 khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản nhập khẩu nói chung của khu vực EU, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh (-12,4% năm 2009). Từ năm 2011, xuất khẩu nông sản sang EU dù được phục hồi nhưng tốc độ khá chậm và không ổn định: Từ 41,7% năm 2011 và 12,6% năm 2012, đã giảm xuống mức -5,6% năm 2013 và -6,7% năm 2015. Đồng thời, những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao, xuất khẩu sang EU ngày càng khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp nông sản tập trung đầu tư công nghệ mới và hết sức nhạy bén trong nhận định thị trường cũng như tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới có thể khai thác được tiềm năng từ thị trường này.

Hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU có mức độ tập trung lớn về chủng loại sản phẩm. Bảng 2 cho thấy những sản phẩm xuất khẩu chủ đạo sang châu Âu chiếm đến 88,3% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: Cà phê, trà nguyên liệu (Unroasted coffee, tea in bulk & mate) và hoa quả nhiệt đới, các loại hạt và gia vị (tropical fruit, fresh or dried, nuts and spices).

Bảng 2: Top 20 hàng nông sản nhập khẩu vào EU từ Việt Nam
Nguồn: Europa

1.2. Diễn biến một số nông sản xuất khẩu sang thị trường EU

- Cà phê: Là nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất của Việt Nam (51,4% đối với cà phê, trà nguyên liệu; và 1% đối với sản phẩm chiết xuất từ cà phê và trà). Việt Nam cũng nằm trong top 3 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, thậm chí trong một số thời điểm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vượt qua Brazil trở thành nguồn cung cấp số 1 (tháng 6/2016 và tháng 3/2017). Sản xuất Robusta là thế mạnh của Việt Nam. Đối với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang châu Âu từ 346,34 triệu USD năm 2003 đã tăng gấp 4 lần và đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2003 - 2016 đạt 13,65%/năm.

Mặc dù vẫn là một nhà cung cấp lớn, tăng trưởng xuất khẩu cà phê sang EU có xu hướng suy giảm từ năm 2013 đến nay. Nguyên nhân đến từ biến động giảm giá cà phê thế giới năm 2013 và diễn biến thời tiết bất lợi từ hiện tượng El Nino, khiến xuất khẩu cà phê suy giảm cả về khối lượng và kim ngạch. Ngoài ra, do có tới trên 90% diện tích và sản lượng cà phê thuộc về các chủ trang trại, chủ vườn, các hộ nông dân làm ăn riêng lẻ. Với trên 500 ngàn hộ nông dân trồng cà phê, việc chuyển giao kỹ thuật, cập nhật thông tin cho họ đều vô cùng khó khăn.

- Hồ tiêu: Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đang có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm thị phần lên tới 60% nguồn cung toàn cầu. Trên thị trường châu Âu, Việt Nam và Indonesia là hai nguồn cung hồ tiêu lớn nhất. Kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu của EU từ Việt Nam khoảng 40 nghìn tấn mỗi năm, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam và đáp ứng đến 53% nhu cầu hồ tiêu của thị trường EU. Thị trường lớn nhất hiện nay là Đức với kim ngạch nhập khẩu tiêu từ Việt Nam lên tới 65,9 triệu USD (2016).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, EU đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong tiêu đen của Việt Nam vượt ngưỡng an toàn, đã có nhiều lô hàng của Việt Nam bị trả về. Một số nước trong khối EU đang dần chuyển sang nhập khẩu tiêu từ Ấn Độ và Brazil.

- Rau và hoa quả: Do điều kiện khí hậu, EU nhập khẩu khá nhiều các loại quả nhiệt đới như chuối, cam, quít, xoài, dứa. Những nước nhập khẩu hàng đầu EU là Đức, Anh, Pháp và Hà Lan chiếm hơn 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả toàn EU.

Về tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU, rau quả của Việt Nam mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau quả của EU. Trong số các nước EU, thị trường xuất khẩu ra quả chính của Việt Nam là Hà Lan (5%), Anh (0,9%), Pháp (1,9%), Đức (2%), Italy (1,1%). Việc nhập khẩu rau quả vào EU chủ yếu thông qua Hà Lan, đây được coi là cửa ngõ để vào được thị trường EU. Trong nhóm hàng rau quả tươi xuất khẩu sang EU thì trái cây luôn đạt kim ngạch cao nhất với mặt hàng chủ lực gồm: dứa, thanh long, cơ dừa, chôm chôm và xoài. Rau quả Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU ở dạng tươi và sơ chế, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái, bảo quản vẫn tiến hành thủ công.

- Đối với mặt hàng Gạo: Đến nay, mặt hàng gạo của Việt Nam đã thâm nhập được vào toàn bộ thị trường EU. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất là: Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Lithuania. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang EU chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,7%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU. Đồng thời, xuất khẩu gạo đang có xu hướng giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tăng trưởng xuất khẩu gạo đạt giá trị âm liên tục trong giai đoạn 2014 - 2016 (-41,2% năm 2014, -20% năm 2015 và -4,02% năm 2016). Tính đến năm 2016, xuất khẩu gạo sang EU chỉ chiếm 1,7% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, giảm 25,6% so với năm 2015. Tuy nhiên xuất khẩu gạo suy giảm là bức tranh chung của thương mại gạo thế giới trong những năm gần đây do cung vượt quá cầu.

2. Những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường EU

2.1. Thuận lợi

- Điều kiện tự nhiên: Việt Nam có điều kiện thuận lợi về khí hậu (nhiệt đới ở phía Nam và á nhiệt đới ở phía Bắc). Với lợi thế này, hiện nay Việt Nam đang nằm trong nhóm nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và gạo. Sản lượng cà phê, hồ tiêu và gạo hàng năm tương đối ổn định với năng suất cao.

- Nguồn cung lao động dồi dào, chi phí lao động thấp: Việt Nam có dân số trên 90 triệu người, 49% trong độ tuổi lao động, 70% dân số sống ở nông thôn. Bên cạnh đó, tiền lương cho lao động trong khu vực nông nghiệp tương đối thấp. Lợi thế này giúp giảm chi phí nhân công trong sản xuất.

- Cầu về nông sản nhiệt đới của thị trường EU khá cao: Người dân EU có nhu cầu đa dạng, đề cao giá trị ẩm thực và rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới. Tuy nhiên châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Vì vậy trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang EU.

- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhanh chóng: Các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế giữa Việt Nam và khối liên minh châu Âu cũng như các nước trong khối luôn được Chính phủ các bên quan tâm. Đặc biệt, ngày 1/2/2015, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EV FTA) đã chính thức kết thúc đàm phán và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018. Trong thương mại hàng hóa, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EV FTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

2.2. Khó khăn

- Quy mô chế biến nông sản chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, lạc hậu, tự phát

Nông sản Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả và rau củ, đa phần là nhỏ lẻ, phân tán, không theo quy hoạch nên quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn. Ngoài ra, vai trò vĩ mô của các cơ quan chức năng trong hoạt động quy hoạch sản xuất còn yếu. Thiếu các vùng quy hoạch cây trồng khiến nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá. Bản đồ vùng trồng rau quả manh mún còn khiến việc áp dụng quy trình sản xuất Global GAP - một tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường EU, gặp trở ngại.

- Đầu tư cho nông nghiệp chưa cao và thiếu hiệu quả

Tỷ trọng tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm đáng kể trong thời gian qua, từ 7,5% năm 2005, sau 10 năm, nay chỉ còn 5,3%. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn 2005 - 2010 từ 6,4% giảm còn 5,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2011 - 2016. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư cũng chưa thực sự chú trọng vào đầu tư công nghệ cao, quy mô lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

- Sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu

Tính liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn yếu, dễ đổ vỡ là một trong những rào cản lớn khiến xuất khẩu nông sản sang EU gặp khó khăn. Tính đến nay, khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, còn chỉ một tỷ lệ nhỏ là từ doanh nghiệp tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của nhà nước. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu nông sản lại xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu được.

- Chất lượng nông sản thấp và không đồng đều

Từ đặc điểm sản xuất nhỏ và tự phát, lại thiếu tính liên kết với nhau và với doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng nông sản của Việt Nam còn thấp. Người nông dân cũng chưa được hướng dẫn kỹ về các biện pháp xử lý trong trồng trọt và chăn nuôi. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý kỹ thuật... thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu sang thị trường vô cùng khó tính như EU. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi.

- Phương tiện cất trữ và dịch vụ thương mại kém

Công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, rất ít tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này được chuyển giao đến nông dân. Việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25 - 30%. Về vận chuyển, Việt Nam vẫn còn thiếu các thiết bị vận chuyển lạnh như tàu lạnh hoặc container có thiết bị làm lạnh nên đã ảnh hưởng không ít tới khả năng xuất khẩu khối lượng lớn đến thị trường EU - là thị trường xa về khoảng cách địa lý.

- Thiếu kỹ năng thương mại và quảng cáo

Khâu tổ chức, sản xuất chế biến, tiếp thị sản phẩm của xuất khẩu nông sản còn yếu, đặc biệt là đối với mặt hàng rau quả. Việt Nam có nhiều chủng loại rau quả rất ngon, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước, nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến. Nông dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì vậy, việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng.

3. Một số giải pháp

Nông sản Việt Nam vẫn còn sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Trong khi đó, EU là thị trường khó tính nhất với những yêu cầu vô cùng chặt chẽ về chất lượng nông sản. Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường EU đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện về phát triển công nghệ, về vốn, về nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Một số giải pháp cụ thể gồm:

- Giải pháp về công nghệ và quản lý chất lượng:

+ Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

+ Tăng cường hợp tác công nghệ với các nước trong khu vực và thế giới để có thể thừa hưởng và tiếp thu những biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông sản, kiểm nghiệm thuốc trừ sâu - bảo vệ thực vật, hóa chất dùng trong sản xuất và chế biến

+ Khai thác triệt để lợi ích từ các FTA nhằm đầu tư cho công nghệ mới đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

- Giải pháp về nhân lực:

+ Tăng cường các hình thức đào tạo ngắn hạn phù hợp với trình độ, tập quán của lao động, tăng cường hợp tác đào tạo với nước ngoài, nhằm học hỏi và tiếp thu công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

+ Huấn luyện nông dân kỹ thuật sản xuất nông sản sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ.

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của nông dân.

+ Nâng cao mặt bằng dân trí cho khu vực nông thôn.

- Giải pháp về vốn và huy động vốn

+ Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn và công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với việc cho các doanh nghiệp vay theo quy định, khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng các hình thức phù hợp tham gia trực tiếp đầu tư xây dựng có sở hạ tầng phát triển theo quy hoạch.

+ Phát triển dịch vụ cho thuê tài chính gắn liền với tư vấn công nghệ và có các chính sách ưu đãi về dịch vụ này đối với sản xuất nông nghiệp.

+ Từ các cam kết ưu đãi đầu tư của EV FTA, xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất hàng nông sản xuất khẩu cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.

- Giải pháp về thị trường, xây dựng thương hiệu và lưu thông phân phối

+ Đẩy mạnh giao thương các mặt hàng nông sản với Hà Lan. Hà Lan là cửa ngõ cho các mặt hàng nông sản vào EU. Vì vậy, phát triển các kênh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và sản phẩm vào Hà Lan có thể giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu

+ Hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến nhanh chóng xây dựng và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao uy tín trên thị trường.

- Giải pháp về cơ chế chính sách

+ Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, điều tiết sản xuất, hỗ trợ nông dân nhằm ứng phó kịp thời với những biến động bất lợi của kinh tế và thị trường thế giới.

+ Đổi mới công tác thông tin trong thống kê ngành Nông sản, đặc biệt quan tâm đến thông tin dự báo thương mại, nguồn lợi, cảnh báo môi trường.

+ Quy hoạch các cụm sản xuất nông nghiệp tập trung, giảm tình trạng rải rác, manh mún và tự phát, đặc biệt trong sản xuất rau quả trên cả nước và lúa gạo của khu vực phía Bắc.

+ Xây dựng hệ thống quy định và chế tài chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề hàng đầu được các nước châu Âu quan tâm, bên cạnh sức khỏe của người dân. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và có chế tài nghiêm khắc đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu sang thị trường EU sau hiệp định EV FTA nói riêng, các giải pháp cần triển khai đồng bộ theo lộ trình thích hợp. Đặc biệt, vai trò điều tiết vĩ mô của Chính phủ vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cơ chế chính sách và quy hoạch hợp lý, định hướng cho các doanh nghiệp nông sản và người nông dân có thể khai thác lợi thế, phát huy năng lực sản xuất, khẳng định được vị trí của nông sản Việt Nam trên thị trường EU rộng lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngô Thị Tuyết Mai (2007), Nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, LATS, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

2. Nguyễn Thành Trung (2012), “Thực trạng phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam và dự báo đến năm 2015”, Cục Xúc tiến Thương mại, Hà Nội

3. Nguyễn Tiến Dũng (2011),“Tác động của khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc đến thương mại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 219 - 231.

4. Nguyễn Văn Hùng (2013), Chính sách tiêu thụ nông sản Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), LATS, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. European Commision, Agricultural trade in 2013: EU gains in commodity exports, 2014.

6. Eurostat, statistics explained, extra - EU trade in agricultural goods, 2015.

7. http://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php/Extra EU_trade_in_agricultural_goods

VIETNAMESE AGRICULTURAL PRODUCTS EXPORT

TO THE EU: SITUATION AND SOLUTIONS

● PhD. DANG THI HUYEN ANH

Division of Economics, Banking Academy

ABSTRACT:

Vietnam has advantages in the production of tropical agricultural products. Therefore, we have a big opportunity to export this product to other continents in general and EU in particular. However, we have been losing market share. This paper analyzes the current situation and proposes solutions to improve competitiveness and boost Vietnam agricultural product exports to the EU.

Keywords: Exports, agricultural products, coffee, rice, vegetables and fruits, EU market.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây