Ý thức tự tôn dân tộc nuôi dưỡng sức sống của hàng Việt

Hội nhập là lòng tự tôn dân tộc, chung tay góp sức của gần 100 triệu người chúng ta nuôi dưỡng sức sống của hàng Việt, để khi thị trường liên thông, hàng Việt sẵn sàng chảy đi muôn phương; và khi thị trường biến động, làm gián đoạn nguồn cung, hay suy giảm nhu cầu, thì hàng Việt trên thị trường nội địa sẽ trở thành điểm tựa cho tăng trưởng, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp.
sieu thi

Ưu thế của thị trường nội địa

Thị trường nội địa, cũng chính là gần 100 triệu dân, chung tay nuôi dưỡng, thổi bùng lên sức sống mãnh liệt của hàng Việt, nhất là từ khi Bộ Chính trị mở  Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khích lệ doanh nghiệp nỗ lực phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường, kết nối để hàng Việt chinh phục được người Việt.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường hàng hóa trong nước liên thông, hòa chung vào dòng chảy lớn của thị trường hàng hóa quốc tế. Khi hàng Việt đủ sức chinh phục người Việt, hiện diện trong từng ngôi nhà, ngõ xóm thì hàng Việt cũng đủ bản lĩnh theo chân các con tàu đi khắp các đại dương đến với những thị trường mới, khách hàng mới, chia sẻ những xu hướng tiêu dùng mới. Sự liên thông của dòng chảy trong và ngoài nước đã tạo thế vững chắc cho nền kinh tế nước ta.

Song mỗi khi thị trường thế giới có biến động, như suy giảm nhu cầu trong cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính quốc tế năm 2008, bị gián đoạn nguồn cung và nhu cầu do đại dịch Covid-19, hay suy giảm nhu cầu do cuộc xung đột Nga-Ucraina đẩy giá năng lượng lên cao, kéo theo lạm phát toàn cầu tăng cao thì thị trường nội địa hiển hiện lên như một bức tường thành vững chắc, bao quanh và bảo vệ nền kinh tế còn tương đối nhỏ, mới hơn 400 tỷ USD trước những con sóng bất định từ bên ngoài.

Không chỉ chu toàn phục vụ những nhu cầu thiết yếu cho mỗi người dân, thị trường nội địa còn đảm đương gánh thêm trách nhiệm tiêu thụ những mặt hàng xuất khẩu như nông sản, thủy sản, cùng nhiều mặt hàng khác đang bị ách tắc do dịch bệnh, hay xung đột địa chính trị. Với nền kinh tế nước ta, thị trường nội địa đặc biệt có ý nghĩa, khi dân số gần 100 triệu, đứng thứ 14 thế giới, có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu năm 2022 đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tương đương 81% GDP cả nước.

Khi thị trường thế giới biến động khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, đứt gãy nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Những rủi ro này thường trực tiềm ẩn, sẵn sàng hiện hữu ở những tâm điểm trên khắp thế giới, có thể là dịch bệnh, có thể là xung đột địa-chính trị, cũng có khi là chiến tranh thương mại.  Trong khi đó, với quy mô dân số gần 100 triệu người, với sự năng động của doanh nghiệp và hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường nội địa Việt Nam là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn trước bất cứ biến động nào.

Thử tìm hiểu xem ưu thế của thị trường nội địa, nhất là chúng ta có thể và cần phải làm gì để “bức tường thành” ngày thêm kiên cố hơn, bảo vệ nền kinh tế một cách hiệu quả nhất trước những làn sóng khủng hoảng từ bên ngoài.

Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà phân phối, đã và đang cùng nhau  xây dựng một môi trường sinh thái thế nào mà trong đó, các chuỗi giá trị được gắn kết với nhau bằng công nghệ, bằng quản trị và cả bằng lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Với nhà quản lý, trong nhiều năm qua, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên Tự hào hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra, tạo nên sự lan tỏa, hưởng ứng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Với nhiều hoạt động phong phú, Chương trình đã tập trung hỗ trợ tạo dựng một môi trường sinh thái kết nối để trong đó, các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng triển khai thực hiện nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia khác như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ của Bộ Công Thương nằm ở Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Bộ Công Thương được phân công hướng dẫn thực hiện hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương triển khai 4 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất, khẩn trương tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển và tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa.

Thứ hai, lồng ghép việc tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào các Chương trình, Đề án mang tầm quốc gia, như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình khuyến công quốc gia; Chương trình mà phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thứ ba, Bộ Công Thương đã đề xuất với 2 mô hình thí điểm. Mô hình thứ nhất là sinh kế cộng đồng, nhằm đưa sản phẩm từ những vùng sâu, vùng xa vào hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam. Mô hình thứ hai thương mại hai chiều nhằm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc, đồng thời thu mua lại những sản phẩm hàng hóa cho bà con.

Thứ tư, Bộ Công Thương mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước về thương mại, và đào tạo kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho các hộ gia đình, hợp tác xã và và doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hay với Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ hỗ trợ phát triển thị trường ở địa bàn miền núi và hải đảo, bao gồm:

Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế. Cụ thể là:

- Xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Xây dựng mô hình điểm bán các mặt hàng đặc sản, đặc trưng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Xây dựng và tổ chức mô hình phân phối chủ lực để kết nối cung và cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển phân phối vừa và nhỏ phù hợp thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Khuyến khích, phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế, gồm:

- Khuyến khích đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa là lợi thế phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là lợi thế phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua kênh phân phối trên thị trường cả nước.

- Đẩy mạnh xuất khẩu và khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với hàng hóa lợi thế được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất những mặt hàng tiềm năng, lợi thế

- Nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh hàng hóa tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiếp cận, trao đổi, thỏa thuận, hợp tác với hệ thống phân phối hàng hóa trên cả nước để xây dựng một quy trình ổn định cung cấp hàng hóa từ vùng sản xuất đến các cơ sở bán buôn và bán lẻ.

Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn, gồm:

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp là người dân địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Thúc đẩy liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp lớn liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

- Nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã triển khai Chương trình GoOnline - với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống thương mại điện tử lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ. Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như: triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn thương mại điện tử; xây dựng Nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline.

Đối với nhà sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đáp ứng nhu cầu trên thị trường nội địa. Điển hình như trong đại dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội (Hasoco) , Công ty CP Bột giặt Lix (Lixco) chuyển sang sản xuất nước rửa tay khô, Dệt kim Đông Xuân sản xuất khẩu trang; Than Nam Mẫu,  Bóng đèn phích nước Rạng Đông chế tạo buồng khử khuẩn; Trường Đại học Điện lực sản xuất máy trợ thở; Dệt Nhuộm Hà Tây tìm nhà cung ứng nguyên phụ liệu trong nước khi nguồn cung từ bên ngoài gián đoạn.

Ý thức tự tôn dân tộc

Những ví dụ trên cho thấy, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên Tự hào hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức, hay các Chương trình khác như Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia… trong những năm qua, không chỉ góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng; không chỉ thúc đẩy xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, thiết lập hệ thống phân phối, khẳng định vị trí của hàng hóa Việt Nam trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước, mà quan trọng hơn, còn từng bước hình thành bộ máy, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực, đưa thị trường trong nước trở thành một trong những động lực trọng yếu vào tăng trưởng, trở thành tuyến phòng ngự vững chắc của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi có những biến động từ bên ngoài.

Mùa dịch Covid-19 vừa mới lắng dịu xuống, trong khi cuộc xung đột địa chính trị chưa biết bao giờ mới kết thúc đem đến cho chúng ta những trải nghiệm khó quên. Sau đại dịch, hay xung đột địa chính trị, nhiều thứ sẽ dần được khôi phục, như công nghiệp, thương mại hay du lịch; nhưng chắc chắn có nhiều điều sẽ không quay trở lại như trước, như cách nhìn nhận, đánh giá, cách thức kết nối, hợp tác của chúng ta trong thế giới này. Đó cũng là lý do khiến chúng ta kỳ vọng các nhà quản lý, nhà sản xuất và phân phối tiếp tục phát triển, đổi mới theo hướng để thị trường nội địa của ngày càng trở nên bức tường thành kiên cố, vững chắc trong bất kỳ tình huống nào, xứng đáng là tuyến phòng ngự chốt chặn của nền kinh tế. 

Hội nhập là câu chuyện liên thông của thị trường trong nước với thế giới, để hàng hóa chúng ta hòa nhập vào dòng chảy lớn. Nhưng hội nhập còn là ý thức tự tôn dân tộc đang chung tay góp sức của gần 100 triệu người chúng ta nuôi dưỡng sức sống của hàng Việt trên thị trường nội địa, để khi thị trường liên thông, hàng Việt sẵn sàng chảy đi muôn phương; và khi thị trường biến động, làm gián đoạn nguồn cung, hay suy giảm nhu cầu, thì hàng Việt trên thị trường nội địa sẽ trở thành điểm tựa cho tăng trưởng, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội. Đó cũng là câu chuyện Kết nối để phát triển hàng Việt Nam với sự đồng hành của mỗi cá nhân, tập thể. Khát vọng kết nối, khát vọng Tự hào hàng Việt đã và sẽ tiếp tục được lan tỏa từ địa đầu của tổ quốc tới vùng đất  mũi Cà Mau.

Bùi Hạnh Quảng