Yên Bái: Nâng cao chất lượng công tác khuyến công

Những năm qua, chương trình khuyến công của Yên Bái đã có tác động tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần ổn định sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp; xây dựng nông thôn mới....

Các cơ sở đã được hỗ trợ về vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, tạo điều kiện sản xuất ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.

Năm 2022, chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ triển khai 1 đề án với kinh phí là 800 triệu đồng cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, chế biến gỗ  như gỗ ván bóc, ván ép, ván ghép thanh. Qua rà soát, nắm bắt thông tin, các cơ sở đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó các chỉ tiêu của đề án cơ bản được đáp ứng.

Về khuyến công địa phương đã giải ngân hoàn thành 100% kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh phê duyệt, tổng kinh phí là 3 tỷ đồng. Trong đó tập trung hỗ trợ triển khai 15 đề án cho 15 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất chế biến chè, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công trang phục dân tộc, chế biến gỗ,... và các hoạt động khuyến công khác như phát triển sản phẩn CNNT tiêu biểu, cung cấp thông tin tuyên truyền, ....

Trong năm 2023, nguồn vốn kinh phí khuyến công địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh giao là 3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã được phân bổ chi tiết 1.016 tỷ đồng cho 3 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến 600 triệu đồng; 4 nội dung khuyến công khác 416 triệu đồng; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát sinh 1.984 triệu đồng (kinh phí chưa được phân bổ). Các đề án, nội dung đang được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

Đối với nguồn kinh phí chưa được phân bổ chi tiết 1.984 triệu đồng, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương, các cơ sở CNNT rà soát, khảo sát tình hình thực tế để xây dựng bổ sung trình UBND tỉnh phê duyệt.

khuyến công
Bám sát cơ sở thụ hưởng để kịp thời nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn vướng mắc như: Do điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn nên các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển CNNT còn hạn chế. Chính sách khuyến công chưa được tuyên truyền sâu, rộng đến doanh nghiệp, các cơ sở CNNT và người dân. Do đó chưa chủ động tiếp cận khi có nhu cầu hỗ trợ, dẫn đến khó khăn khi xây dựng kế hoạch; còn một số cơ sở thụ hưởng do hạn chế tiếp xúc giải quyết các thủ tục hành chính nên công tác hướng dẫn triển khai các đề án khuyến công gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, nội dung hỗ trợ hoạt động khuyến công còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ máy móc thiết bị, mô hình trình diễn, các nội dung hỗ trợ khác còn ít. Chưa có đề án khuyến công điểm cần thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; số lượng đề án có quy mô lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng chưa nhiều; v.v…

Do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên một số nội dung còn chưa thực hiện như hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ hợp tác quốc tế về khuyến công.

Từ kết quả thực hiện kế hoạch năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công trong thời gian tới, Sở Công Thương Yên Bái đã đề xuất một số giải pháp như: Các đơn vị dịch vụ khuyến công cần thường xuyên bám sát địa bàn, bám sát cơ sở thụ hưởng để kịp thời nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án; đẩy nhanh tiến độ triển khai, nghiệm thu các đề án.

Đẩy mạnh và mở rộng phương thức các hoạt động thông tin, tuyên truyền để truyền tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cục Công Thương địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phân bổ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; Rút ngắn thời gian giao kinh phí triển khai các đề án, để các địa phương được chủ động hơn trong quá trình thực hiện.

Hoàng Dương