Yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua khen thưởng của ngành Công Thương trong bối cảnh mới

THS. LÊ HOÀNG SƠN (Văn phòng Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Bối cảnh mới đặt ra cho ngành Công Thương những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải có những nỗ lực rất lớn. Công tác thi đua, khen thưởng theo đó cũng đòi hỏi phải có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức, nhất là phải cụ thể hóa mục tiêu thi đua thành chương trình hành động, có biện pháp phù hợp để tổ chức thực hiện, góp phần thiết thực hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Việc xác định rõ các yêu cầu đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương là hết sức cần thiết, để từ đó có biện pháp phù hợp nhằm triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể của công tác thi đua, khen thưởng lãnh đạo Bộ đã giao.

Từ khóa: thi đua, khen thưởng, ngành Công Thương.

1. Công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương trong bối cảnh mới

Trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ, lãnh đạo Bộ và các cấp ủy Đảng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy các phong trào thi đua và hoạt động khen thưởng của Ngành.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Công Thương đã thường xuyên triển khai, tổ chức trong toàn ngành các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Chính phủ phát động và các phong trào do Bộ phát động. Các phong trào và cuộc vận động lớn tiêu biểu như: Phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,... đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua được phát động với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, không hình thức phô trương, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu, do đó đã thực sự động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành tham gia, tạo không khí sôi nổi, rộng khắp. Từ kết quả đó đã tạo cho các tập thể, cá nhân tinh thần hăng say làm việc, làm biến đổi một cách sâu sắc từ nhận thức đến tư tưởng của toàn đội ngũ và góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của  Ngành.

Công tác biểu dương, khen thưởng đã động viên, khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị và của toàn ngành. Công tác xét tặng các danh hiệu thi đua rõ ràng, minh bạch; khen thưởng xứng đáng với công sức của người lao động đã tạo nên không khí làm việc hăng say, mang lại giá trị cao cả về tinh thần lẫn vật chất.

Trong bối cảnh đất nước ta bước vào giai đoạn mới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, kể từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có về kinh tế, xã hội, thị trường lao động... Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương hết sức nặng nề, phải kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được của 70 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã phát động phong trào thi đua: “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao”. Triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Tại Lễ phát động thi đua ngày 30/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã xác định rõ mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể của công tác thi đua, khen thưởng [Xem toàn văn tại TLTK số 4]. Đây là cơ sở để từng bước đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành trong giai đoạn mới.

2. Yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương

Từ nhiệm vụ nặng nề của ngành Công Thương nói chung cũng như nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể của công tác thi đua, khen thưởng nói riêng trong bối cảnh mới, đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương một số yêu cầu như sau:

Một là, tuân thủ và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đồng thời kế thừa và vận dụng hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần có kế hoạch cụ thể để tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành với những nội dung và hình thức phù hợp.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Kế thừa, phát triển và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và của ngành Công Thương trong bối cảnh mới hiện nay.

Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và xây dựng chính sách về thi đua, khen thưởng phù hợp với đặc thù của ngành Công Thương.

Các quy định, quy chế, văn bản hướng dẫn về thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương cần được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng, phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành và của các đơn vị trong ngành. Chính sách về thi đua, khen thưởng trong ngành cần được xây dựng hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, nhằm động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao cho ngành Công Thương.

Ba là, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất về công tác thi đua, khen thưởng, phát huy vai trò của cấp ủy và người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương phải luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thống nhất từ trung ương đến địa phương, tới các đơn vị cơ sở, bảo đảm công bằng, dân chủ đối với mọi đối tượng trong ngành; phát huy hiệu quả thi đua lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác tổ chức phong trào thi đua và xét khen thưởng. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua, qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong toàn ngành. Cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân làm tốt; phát hiện sai sót, chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc phê bình, kỷ luật các trường hợp lơ là, chủ quan, chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Bốn là, đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương theo hướng tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương, cơ sở, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cần thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng. Kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - khen thưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng và của từng thành viên Hội đồng Thi đua - khen thưởng trong việc triển khai các nội dung Chỉ thị, Nghị quyết về thi đua, khen thưởng; tham mưu tổ chức phát động các phong trào thi đua phù hợp với ngành và các đơn vị trong ngành; phát hiện, đề xuất kịp thời việc xét khen thưởng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Tinh gọn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; bố trí cán bộ công chức trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng có năng lực, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với công việc. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, bao gồm cả chuyên trách và kiêm nhiệm, cần được đào tạo, tập huấn thường xuyên, đi thực tế cơ sở hàng năm, đồng thời phải có ý thức tự đào tạo, tự bồi dưỡng để trau dồi kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý và kỹ năng thực hành.

Năm là, quán triệt, làm chuyển biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương.

Các đơn vị truyền thông trong ngành Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tăng cường truyền thông về công tác thi đua, khen thưởng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng áp dụng trong ngành, về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, tác dụng, lợi ích của các phong trào thi đua. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực cách mạng to lớn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị và xác định được bổn phận, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia vào các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và ngành Công Thương phát động. Mở các chuyên trang, chuyên mục về thi đua, khen thưởng; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, biểu dương các phong trào thi đua có hiệu quả, các nhân tố tích cực trong phong trào thi đua,... Qua đó, phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của các tập thể và cá nhân trong thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của ngành.

Sáu, mục tiêu và nội dung thi đua phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, có chủ đề rõ ràng, được cụ thể hóa thành chỉ tiêu cụ thể; hình thức thi đua đa dạng phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của từng cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, không dập khuôn máy móc.

Tổ chức, phát động các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chủ đề thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành Công Thương để làm nội dung thi đua, tập trung vào mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch đề ra. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, với hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung thi đua cần cụ thể, thiết thực, tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được giao, đồng thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở, từ phong trào thi đua. Hình thức thi đua phải đa dạng, phong phú và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất, đối tượng, tình hình thực tiễn và điều kiện cụ thể của ngành, của mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào. Chú trọng phát hiện - bồi dưỡng - nhân rộng điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa lớn trong từng cơ quan, đơn vị.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các cơ quan, đơn vị và toàn thể lực lượng trong ngành Công Thương cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động; phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao” do Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã phát động, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Bảy là, thực hiện bình đẳng, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời trong thi đua, khen thưởng.

Thi đua phải đảm bảo công khai, minh bạch để mọi tập thể, cá nhân trong ngành Công Thương đều hiểu biết về mục đích, nội dung của phong trào thi đua; kế hoạch, tiêu chí, biện pháp tổ chức, khen thưởng thi đua,... Qua việc công khai, thể hiện tính minh bạch, dân chủ trong thi đua, bảo đảm thi đua thực chất, từ đó góp phần tạo niềm tin trong mỗi tập thể, cá nhân tham gia phong trào. Nguyên tắc công khai là  cơ sở đảm bảo tính chính xác trong khen thưởng.

Khen thưởng phải đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, kịp thời, phải khách quan, đúng người, đúng việc. Cần có sự động viên, khích lệ đúng lúc để tạo tác dụng tích cực, làm cho người được khen có tâm trạng phấn khởi hơn, dẫn tới hiệu quả công việc tốt hơn. Lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng, động viên kịp thời. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cần đánh giá, biểu dương, tôn vinh và khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc vượt qua khó khăn đại dịch, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Tập trung xem xét, đề xuất khen thưởng các đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại tuyến đầu; Tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, giúp đỡ công tác phòng, chống dịch; Tập thể, cá nhân có ý tưởng mới, sáng tạo tham gia cổ vũ, động viên, trợ giúp công tác phòng, chống dịch [3, tr.1].

Tám là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, triển khai phần mềm quản lý công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan Bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng nhằm tạo thuận lợi cho chính người làm công tác thi đua, khen thưởng và cho đối tượng thi đua, khen thưởng. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, dẫn đến trong từng công đoạn của quy trình hoạt động thi đua và xét khen thưởng cần giảm tối đa tiếp xúc trực tiếp, gia tăng khả năng hoạt động trực tuyến, vì vậy yêu cầu này càng trở nên cấp bách hơn.

Cần tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ thi đua, khen thưởng, từng bước rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng từ cấp Bộ tới cấp đơn vị cơ sở, giảm bớt những thủ tục không cần thiết. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng, tiếp nhận và giải quyết thủ tục, hồ sơ trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là trong lưu trữ hồ sơ thi đua, khen thưởng, đáp ứng nhu cầu khai thác, tra cứu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu chỉ đạo phong trào thi đua và xét khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị trong ngành. Xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu về công tác thi đua, khen thưởng; thành lập chuyên mục “Hoạt động thi đua, khen thưởng” trên trang tin điện tử của Bộ. Công khai thủ tục hành chính về thi đua, khen thưởng và công khai kết quả khen thưởng trên website của Bộ, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong công tác thi đua, khen thưởng.

Chín là, tiếp thu các yếu tố hợp lý từ kinh nghiệm của các Bộ, ngành trong nước cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới về thi đua, khen thưởng và vận dụng phù hợp với điều kiện của ngành Công Thương.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết kinh tế sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới, việc tham khảo và tiếp thu kinh nghiệm của các nước về thi đua, khen thưởng là hết sức cần thiết trong việc tiếp thu những cách thức mới về tổ chức thi đua và tôn vinh, khen thưởng; xây dựng và hoàn thiện chế độ chính sách thi đua, khen thưởng của ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Công Thương trong quá trình tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng với những bước đột phá trong quan hệ thương mại song phương, đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ, với các nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Cùng với đó, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm, được đúc kết từ thực tiễn triển khai hoạt động thi đua, khen thưởng của các Bộ, ngành khác, nhất là cùng trong Khối Thi đua các Bộ, ngành kinh tế, là hết sức thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với bộ máy tham mưu về thi đua, khen thưởng của ngành là “cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá toàn diện kinh nghiệm từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng của các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở trong thời gian qua và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn” [5, tr.118] của đất nước và của ngành Công Thương. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của ngành Công Thương trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2020), Ngành Công Thương với phong trào thi đua yêu nước, Nxb Công Thương, Hà Nội.
  2. Bộ Công Thương, Báo cáo Sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021.
  3. Bộ Công Thương (2021), Công văn số 4918 ngày 13/8/2021 Về việc Hướng dẫn khen thưởng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
  4. Bộ Công Thương (2021), Thông báo số 193 ngày 15/9/2021 Về việc phát động Phong trào thi đua ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2026 và các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  5. Phùng Ngọc Tấn (2016), Pháp luật về thi đua khen thưởng ở Việt Nam hiện nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
  6. Văn phòng Chính phủ (2021), Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 23/8/2021 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Requirements for the Industry and Trade sector’s emulation and commendation activities in the context of the new normal

Master. Le Hoang Son

Ministry Office, Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

The new normal has brought significant tasks to the Industry and Trade sector, requiring great efforts of the whole sector. It also requires the Industry and Trade sector to innovate its emulation and commendation activities in terms of contents and forms, especially converting emulation objectives into action programs and carrying out appropriate measures to effectively organize emulation and commendation activities. Emulation and commendation activities are expected to support the Industry and Trade sector fulfill its goals. It is very necessary for the Industry and Trade sector to clearly identify requirements for the sector’s emulation and commendation activities, so that the sector can take appropriate measures to successfully complete key taks.

Keywords: emulation, commendation, the Industry and Trade sector.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]