Tờ báo hàng đầu của Malaysia là New Straits Times ngày 15/2 đưa tin Việt Nam là quốc gia duy nhất đạt tăng trưởng về xuất khẩu trong 6 nước ASEAN được thống kê.
Tờ báo lấy thông tin từ báo cáo của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), cho biết xuất khẩu từ 6 quốc gia được thống kê gồm Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia, đã giảm 2,2% so với năm 2019 với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 1,35 nghìn tỷ USD.
Thông tin từ JETRO cho rằng mặc dù lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm 5,2%, nhưng sang thị trường Mỹ lại tăng 25,7% và Trung Quốc tăng 18%.
Trong số 6 nước được thống kê, lượng hàng hóa xuất khẩu của Philippines giảm 10,1%, tiếp đến là Thái Lan giảm 6%, Singapore giảm 4,1%, Malaysia và Indonesia bằng nhau và cùng giảm 2,6%. Riêng Việt Nam tăng trưởng.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan nước ta, năm 2020 xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7% cùng trị giá xuất siêu kỷ lục ở mức 19,95 tỷ USD.
Thông tin từ New Straits Times cũng cho biết tổng thặng dư thương mại của cả 6 nước tăng gấp ba lần, lên đến 133,66 tỷ USD do việc nới lỏng giá nhiên liệu và giảm nhu cầu trong nước dẫn đến giảm lượng hàng hóa nhập khẩu so với xuất khẩu.
Singapore chiếm 27,4% trong tổng giá trị thương mại của 6 nước, tiếp theo là Việt Nam với 21,3%, Thái Lan (17,1%), Malaysia (16,5%), Indonesia (11,9%) và Philippines (5,8%).
Mặc dù xuất khẩu nước ta năm 2020 đạt thành tích ấn tượng, nhưng năm 2021 còn phụ thuộc vào triển vọng của kinh tế thế giới, tình hình khống chế dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt trong năm 2021 cũng như thời gian xa hơn là ưu tiên các hoạt động xúc tiến XK và các thị trường XK sớm khôi phục sau đại địch; củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước NK, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán,...
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2021 và những năm tới sẽ là những năm về cơ bản có được điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các FTA đã ký kết và sẽ ký kết; những chú trọng chính sách của Chính phủ, Đảng, Nhà nước và quyết sách của Chính phủ trong hàng loạt khía cạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cách chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật,…
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải định vị lại và xác định rõ những điều kiện thuận lợi và ưu thế mới, cơ hội mới để nhanh chóng tiếp cận được với thị trường, với các dòng chảy thương mại cũng như dịch chuyển đầu tư, công nghệ, qua đó sớm cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh theo hướng gia tăng hơn nữa năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng trong các chuỗi sản xuất.
Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi sự chủ động và đồng hành tích cực, chặt chẽ hơn nữa giữa khu vực nhà nước với khu vực doanh nghiệp. Không chỉ còn là những nỗ lực riêng của mỗi bên, để chúng ta tiếp cận những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do và khung khổ hội nhập này, mà chúng ta phải quyện hòa trong những chương trình hành động đã được Chính phủ ban hành, với nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp, của các hiệp hội ngành hàng cũng như của chính quyền các cấp”.