Bảo vệ người tiêu dùng yếu thế
Trong môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng có vai trò quan trọng, lựa chọn của họ quyết định đến thị phần cũng như vị trí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là bên yếu thế trong mối quan hệ với chủ thể kinh doanh.
Do đó, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng bằng Luật cạnh tranh, mang tính kỹ thuật và bổ trợ cho việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc xác định các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhằm lượng hóa các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm có tương xứng. Hiện nay hoạt động bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam dưới 2 góc độ: bảo vệ trực tiếp bằng các quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ gián tiếp thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh.
Năm 2022 vừa qua, trong lĩnh vực cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, rà soát các giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật; xem xét các vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh để có biện pháp can thiệp phù hợp; chủ động thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh ở một số thị trường, ngành, lĩnh vực như phân bón, vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đường cao tốc...
Trong năm đã tiếp nhận và xử lý 145 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam...
Trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về công tác bảo vệ người tiêu dùng thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022; triển khai các Đề án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ hơn 12.000 cuộc gọi của người tiêu dùng; giải quyết gần 1.000 phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành để kịp thời phát hiện, chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý các hành vi, vụ việc nổi cộm vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên thị trường như: vụ thu phí nắng nóng của Grab; vụ bán kèm gói dịch vụ khi mua ô tô...
Trong lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong năm 2022, đã chuyển thông tin 18 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời đối với các đối tượng có hiện diện trong nước, hoặc chặn truy cập đối với các website quốc tế liên quan đến các hoạt động huy động tài chính trái phép không có hiện diện tại Việt Nam.
Đã tiếp nhận và xử lý 19 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 27 hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 70 hồ sơ thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; 01 hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, 04 hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ. Thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 doanh nghiệp, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 doanh nghiệp với số tiền phạt 1,87 tỷ đồng, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 02 doanh nghiệp.
Năm 2023, Bộ tiếp tục triển khai xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trong thực thi pháp luật cạnh tranh, tiếp tục tiếp nhận, xử lý phản ánh liên quan đến các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để có biện pháp kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp liên quan; duy trì các hoạt động quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua, trong đó tập trung vào một số hoạt động như thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyên truyền, cảnh báo; phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan công an về các dấu hiệu vi phạm; triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn năm 2021 – 2025; tăng cường công tác giám sát thị trường, đặc biệt là các vụ thâu tóm doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế của Việt Nam; tăng cường công tác thẩm tra một cách toàn diện và kỹ càng đối với các vụ việc có tiềm ẩn nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường và có tác động bất lợi tới nền kinh tế; thường xuyên rà soát các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường, cập nhật, thống kê và tổng hợp dữ liệu về tình hình tập trung kinh tế (mua bán, sáp nhập, hợp nhất, liên doanh) của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Triển khai hiệu quả 2 đề án
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận, xác minh làm rõ thông tin đối với 7 vụ việc (4 vụ việc liên quan đến các dấu hiệu hành vi hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực độc quyền pháo hoa; điện thoại thông minh; tài trợ trong các giải bóng đá; phí duy trì trong các căn hộ nghỉ dưỡng “time-share”; 3 vụ việc liên quan đến dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực giáo dục (nhà trẻ); sữa và phòng tranh.
Về tập trung kinh tế, từ đầu năm đến nay, UBCTQG đã tiếp nhận và xử lý 62 hồ sơ thông báo Tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam,...
UBCTQG đã trả lời 46 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện quy định về thông báo tập trung kinh tế theo quy định pháp luật về cạnh tranh, UBCTQG đã xây dựng quyết định về việc ban hành mẫu thông báo tập trung kinh tế, đồng thời, đăng tin hướng dẫn quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Hoạt động bán hàng đa cấp trên cả nước được duy trì ổn định. Bộ Công Thương đã hoàn thiện công tác công bố thủ tục hành chính cũng như có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời đối với các địa phương khi có thay đổi liên quan đến thủ tục hành chính, hướng dẫn các địa phương trong việc công bố thủ tục hành chính để đảm bảo triển khai liên tục, thông suốt. Các thông tin quản lý được Bộ Công Thương cập nhập thường xuyên cho các Sở Công Thương để thống nhất trong quản lý…
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp: đã phản ứng kịp thời trước các thông tin phản ánh về các dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp. Bộ đã nhanh chóng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Sở Công Thương địa phương và Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam vào cuộc xác minh, giải quyết và báo cáo tình hình; phối hợp hiệu quả với cơ quan công an các cấp trong việc xác minh thông tin, xác định mô hình hoạt động của các đối tượng có dấu hiệu lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi và xử lý theo quy định pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 , Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng (1800.6838) đã ghi nhận 4.138 cuộc gọi đến, trong đó, các tổng đài viên đã tiếp nhận và trả lời 3.140 cuộc gọi, chiếm khoảng 75,8%. Trong đó, có khoảng 80% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cuộc gọi còn lại có nội dung tư vấn các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, đã tiếp nhận 985 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng qua nhiều phương thức, gồm: (i) qua dịch vụ bưu chính (chiếm khoảng 73%); (ii) qua hộp thư điện tử (chiếm khoảng 21,7%) và (iii) qua website (chiếm khoảng 5,3%). Trong tổng số 985 đơn, thư được tiếp nhận, các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chủ yếu bị phản ánh, khiếu nại bao gồm: kinh doanh quyền sở hữu kỳ nghỉ; bất động sản, nhà ở, chung cư; dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ; viễn thông; thương mại điện tử; hàng hóa tiêu dùng thường ngày; phương tiện vận chuyển và dịch vụ vận tải.
Những tháng cuối năm 2023, bên cạnh tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; triển khai đồng bộ các hoạt động cụ thể 2 Đề án của Bộ Công Thương trong khuôn khổ Quyết định số 1157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.