Hoạt động này nhằm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 của Bộ Công Thương về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay; Công văn số 5102/BCT-TTTN ngày 03/8/2023 của Bộ Công Thương về việc phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.
Bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung lúa, gạo
Theo đánh giá, tình hình thị trường lúa, gạo trong nước đang có những diễn biến mới. Để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung lúa, gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, Sở Công Thương Tiền Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tình hình sản xuất lúa, gạo trên địa bàn tỉnh, phối hợp Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn động và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành đề nghị các cơ sở xay xát chế biến lúa, gạo trên địa bàn có phương án về nguồn lúa, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo dõi diễn biến giá lúa, gạo trên địa bàn; phối hợp Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn động và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn.
Tăng cường kiểm soát việc chấp hành quy định lưu thông, kinh doanh gạo
Sở Công Thương Tiền Giang đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật trong lưu thông của mặt hàng lúa, gạo; phối hợp các cơ quan có liên quan theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Phối hợp với Sở Công Thương triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh có phương án chuẩn bị nguồn hàng cung ứng, bán lẻ gạo trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, không được đầu cơ, đẩy giá gạo cao bất hợp lý gây bất ổn thị trường trong tỉnh.
Các thương nhân xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh duy trì lượng lúa, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa, gạo trong nước tăng bất hợp lý. Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo của Tiền Giang năm nay dự kiến tăng cao
Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho biết, tháng 7/2023 toàn tỉnh gieo trồng được 247 ha cây lương thực có hạt, sản lượng thu hoạch 550 tấn; lũy kế 7 tháng đầu năm ny tỉnh gieo trồng được 118.231 ha, đạt 90% kế hoạch, giảm 4,2% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 462.438 tấn, giảm 4,6% so cùng kỳ.
Về xuất khẩu gạo, ước tính tháng 7/2023 toàn tỉnh xuất khẩu được 13.722 tấn với trị giá 8,2 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Tiền Giang xuất khẩu 120.804 tấn gạo, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước; với trị giá xuất 72 triệu USD, chiếm 2,6% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đạt 144% kế hoạch và tăng 104,1% so cùng kỳ năm trước.
Nhờ tình hình thuận lợi, dự kiến xuất khẩu gạo của tỉnh năm nay sẽ tăng cao với các lô hàng bán sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia tăng mạnh.