Theo đó, thị trường căn hộ ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung và thanh khoản, trong khi giá bán vẫn tăng. Cụ thể, nguồn cung mới trong quý 3/2023 giảm 47% theo quý và 65% theo năm, chỉ đạt 1.891 căn hộ. Toàn bộ nguồn cung mới đều là căn hộ phân khúc trung cấp (hạng B). Giá bán căn hộ sơ cấp tăng 2% theo quý và 13% theo năm, đạt trung bình 54 triệu đồng/m2.
Về thanh khoản, số lượng căn hộ bán thành công trong quý 3/2023 giảm 16% theo quý và 42% theo năm, đạt 1.500 căn. Tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt 8%.
Đối với thị trường biệt thự, nhà liền kề, nguồn cung mới cũng giảm mạnh, đạt 30 căn, giảm 76% theo quý và 94% theo năm. Giá bán biệt thự sơ cấp trung bình tăng 3%, nhà liền kề tăng 9% và shophouse tăng 6%.
Trước tình hình này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, đánh giá: "Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tồn tại nhiều thách thức, trong đó có việc cân bằng nguồn cung. Cho đến năm 2025, 52.500 căn từ 51 dự án sẽ được mở bán, song căn hộ hạng B vẫn sẽ là nguồn cung lớn nhất với 76% nguồn cung tương lai, căn hộ thương mại giá rẻ không nhiều."
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cũng cho biết: "Thị trường trong quý diễn ra chậm với lượng giao dịch thấp cùng với sự thận trọng của các chủ đầu tư trước việc ra hàng mới. Tuy nhiên, sự hình thành quận mới (Gia Lâm) và cơ sở hạ tầng hoàn thiện dự kiến sẽ dần thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản."
Dự báo trong quý 4/2023, nguồn cung căn hộ tương lai gồm 2.200 căn hộ. Trong đó, 88% sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Ngược lại, đối với biệt thự, nhà liền kề, nguồn cung mới chủ yếu sẽ đến từ các dự án mới. Dự đoán, đến năm 2025, Đông Anh sẽ dẫn đầu với 23% thị phần nguồn cung tương lai, theo sau là quận Hà Đông.