Bình ổn giá phân bón giữa cơn sốt giá toàn cầu

Theo đánh giá của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn), giá các loại phân bón trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao và còn xu hướng tiếp tục tăng, thị trường nội địa sẽ cần nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp để bình ổn giá trong vụ Đông Xuân 2021-2022 nói riêng cũng như trong dài hạn nói chung.

Giá phân bón chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong những tháng vừa qua giá các loại phân bón như Ure, DAP/MAP, Kali… trên thế giới liên tục tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung khan hiếm, vận chuyển khó khăn. Đặc biệt từ quý III/2021, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, Nga… càng làm nguồn cung suy yếu trong khi nhu cầu tại các khu vực như Ấn Độ, Pakistan... tăng cao.

Phân Ure đạt mức cao kỷ lục tại nhiều thị trường kể từ năm 2008, lên đến 800-900 USD/tấn, tăng 200% so với đầu năm 2021.

Phân DAP tiếp đà tăng từ những tháng đầu năm đến tháng 10 việc hạn chế xuất khẩu Phosphate của Trung Quốc đã chi phối các hoạt động của thị trường bên cạnh các giao dịch mua DAP tại các thị trường chủ chốt như Ấn Độ. Giá DAP/MAP tiếp tục tăng và thiết lập những mức kỷ lục mới.

Trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu mua DAP dự kiến tiếp tục tăng khi bước vào vụ sản xuất chính tại một số nơi trong khi nguồn cung DAP được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu và chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc áp dụng từ ngày 15/10. Giá DAP tại một số khu vực lên đến 600-700 USD/tấn, tăng gần 300 USD/tấn so với đầu năm 2021. Các loại phân bón như Kali, SA, MOP, NPK… cũng liên tục tăng cao.

“Tại thị trường Việt Nam, từ tháng 4/2021, do ảnh hưởng của giá phân bón các loại và nguyên liệu để sản xuất như lưu huỳnh, amoniac… tăng cao kéo theo giá phân bón trong nước tăng theo, mặc dù nhu cầu nội địa nhìn chung không tăng so với năm 2020. Dự kiến trong cuối năm 2021 giá các loại phân bón vẫn duy trì ở mức cao và còn xu hướng tiếp tục tăng”, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận định.

phan bon ure
Giá Ure Ninh Bình và Hà Bắc thấp hơn giá Ure nhập khẩu gần 4 triệu đồng/tấn

Cụ thể, giá Ure giao dịch tại Việt Nam đầu tháng 11-12 đã tiếp tục đi lên theo xu hướng của thị trường thế giới. Tuy nguồn cung Ure sản xuất nội địa trong tháng 11 dự kiến vẫn được duy trì nhưng do giá nhập khẩu cao hơn trong nước nên các doanh nghiệp nhập khẩu hạn chế ký hợp đồng mới làm cho tổng nguồn cung của Ure trong nước không tăng nhiều phần nào gây áp lực lên giá ure nội địa.

Ngoài ra, giá Ure nội địa sẽ chịu tác động bởi các yếu tố cung cầu trong nước trong bối cảnh nhu cầu cho vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trong tháng 11 - 12. Hiện giá Ure nhập khẩu tại thị trường Việt Nam 18,4 -18,6 triệu đồng/tấn, Ure Cà mau niêm yết 17 triệu đồng/tấn, Ure Ninh Bình và Hà Bắc 14,8 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, thị trường DAP tại Việt Nam trong tháng 12 được dự báo sẽ sôi động hơn do nhu cầu cho lúa Đông Xuân tăng tại ĐBSCL. Tuy nhiên giá DAP thế giới giữ ở mức cao và áp lực từ thông tin Trung Quốc cấm xuất khẩu vẫn gây sức ép lên giá tại thị trường nội địa. Các nhà phân phối/nhà máy chưa có động thái điều chỉnh giảm giá, trong khi người mua khó chấp nhận mức giá cao nên giá DAP trong nước khả năng sẽ không tăng thêm trong giai đoạn cuối năm.

Theo các đại lý tại miền Tây, trong đầu vụ Đông Xuân năm nay nhu cầu có thể tăng với các sản phẩm phân Phosphate hàm lượng thấp hoặc đa lượng (lân, NPK...).

Tổng nguồn cung DAP trong tháng 11 dự kiến tương đương tháng trước đạt 136 nghìn tấn, trong đó sự sụt giảm của nhập khẩu sẽ được bù đắp bởi tồn kho đầu tháng tăng, còn sản xuất tháng 11 vẫn giữ ở mức khoảng 40 nghìn tấn. Trong khi nhu cầu tháng 11-12 sẽ tăng khoảng 9 nghìn tấn do tăng tiêu thụ cho cây trồng.

Hiện giá DAP Vân Thiên Hóa xanh 64% chào bán tại khu vực miền Nam trong tháng hiện dao động ở mức 21 - 22 triệu đồng/tấn, tăng mạnh 4 – 4,1 triệu đồng/tấn (20%) so với giá tháng 9 và tăng 10,1-10,2 triệu đồng/đồng (93%) so với tháng 10/2020. DAP Đình Vũ và Lào Cai giá tại nhà máy ở mức 16,2-16,7 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng này, giá các loại phân như NPK, Kali, SA cũng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao do giá trên thế giới tăng cao. Nhiều nhà máy NPK đã tăng giá lệnh trong tháng 10 để bắt kịp giá các loại phân bón khác và do giá nguyên liệụ đầu vào liên tục tăng. Giá Kali Israel hàng miểng đầu tháng 10 ở mức 13500-14000 đ/kg, sau đó lần lượt tăng lên mức 14.500-14.700 đ/kg, 15.200-15.300 đ/kg và 16000 đ/kg do ảnh hưởng bởi giá thế giới và giá các loại phân bón khác tăng mạnh…

phan bon dap
Giá DAP trong nước khả năng sẽ không tăng thêm trong dịp cuối năm

Cần nỗ lực bình ổn của nhà nước - doanh nghiệp

Để bình ổn giá phân bón trong nước trong ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng phân bón cho thị trường với giá hợp lý. Đồng thời, chủ động tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường năng lực ổn định sản xuất trong nước phát huy tối đa công suất nhà máy để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường trong nước; ưu tiên cung ứng phân bón trong nước, góp phần bình ổn thị trường. Nhờ vậy, thực tế trong thời gian qua giá phân bón trong nước sản xuất luôn thấp hơn giá phân bón nhập khẩu từ 2-4 triệu đồng/tấn.

Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị triển khai, xác lập hệ thống phân phối để củng cố thế mạnh trên thị trường theo hướng tiếp cận gần hơn, trực tiếp hơn đến người tiêu dùng cuối cùng, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng với chi phí hợp lý từ đó tham gia đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bình ổn giá phân bón.

Về phía quản lý nhà nước, Tập đoàn cho rằng cần tăng cường công tác quản lý, chống các hành vi buôn lậu, sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng và  cần có sự điều chỉnh chính sách để tạo sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.

Trước đó, Tập đoàn đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 0% - 5%.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Phùng Quang Hiệp phân tích, nếu đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.

Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào (không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân).

“Cả hai trường hợp trên thì phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước có môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng; tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích lâu dài của nông dân; góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và phát triển bền vững”, ông Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh.

[Quảng cáo]

 

Trần Bản