Đây là chia sẻ của ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chủ động phương án, hành động ứng phó với tác động của dịch Covid-19
Theo ông Bùi Thế Chuyên, đại dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp làm gián đoạn vận chuyển đường biển, hạn chế giao thương giữa các nước và khu vực, hạn chế nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các đơn vị thuộc Tập đoàn. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 trong nước bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27 tháng 4 đến nay, vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương dẫn đến việc bị phong tỏa, giãn cách khiến các Công ty thành viên trong Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai hoạt động sản xuất, bán hàng, vận chuyển, hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác... Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su vào Indonesia, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Campuchia,…giảm sút do các nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Từ cuối năm 2020, tình hình giá nguyên liệu thế giới và trong nước đã có những biến động hết sức phức tạp, giá nguyên vật liệu tăng cao: lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất axit sunphuric, phân supe, phân DAP) tăng 130%; amoniac (nguyên liệu sản xuất phân DAP) tăng 107%; vải mành, than đen (nguyên liệu sản xuất sản phẩm cao su) tăng lần lượt 30% và 60%; tình trạng khan hiếm container rỗng từ cuối quý IV năm 2020 đã đẩy giá thuê tăng 8-10 lần, chi phí vận chuyển hàng xuất-nhập khẩu tăng từ mức 2% lên trên 20% trong kết cấu giá trị hàng hóa. Hiện nay, giá thuê container vẫn tiếp tục tăng.
Thời gian qua, toàn Tập đoàn đã có 13 doanh nghiệp bố trí thực hiện 3 tại chỗ. Tuy nhiên, việc thực hiện 3 tại chỗ đã làm phát sinh chi phí, ước tổng chi phí để thực hiện là hơn 1,5 tỷ đồng/ngày, năng suất thấp, bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp. Việc duy trì 3 tại chỗ cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm môi trường ăn, ngủ, sinh hoạt, làm việc lẫn ổn định tâm lý của người lao động.
Nhằm thích ứng với những tác động của dịch Covid-19, thời gian qua Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã chủ động khai các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Cụ thể, thực hiện Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 25 tháng 5 năm 2021 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tính đến nay, Tập đoàn đã có hơn 15.000 người lao động của các đơn vị thuộc Tập đoàn được tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều này giúp ổn định tâm lý cán bộ công nhân viên, yên tâm tổ chức sản xuất cũng như tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trên tinh thần hoàn thành mục tiêu kép, trong thời gian qua Lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo kịp thời các đơn vị triển khai và thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các Bộ, ban, ngành, địa phương,…Những biện pháp như tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, một cung đường hai điểm đến,...tuy đã làm tăng chi phí nhưng đã giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động; vừa bảo đảm duy trì sản xuất liên tục, an toàn.
Tập đoàn cùng các đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm vừa thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch, vừa giảm thiểu ảnh hưởng đến công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa sản phẩm của Tập đoàn trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành Hóa chất cơ bản, Chất tẩy rửa, Thuốc sát trùng tiếp tục tổ chức và đảm bảo sản xuất các sản phẩm oxy y tế, chất tẩy rửa, sát khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, Tập đoàn, Công ty cổ phần Hơi kỹ nghệ que hàn đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp oxy y tế khi dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh thành phía nam, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế các địa phương, phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị trong Tập đoàn đã ủng hộ một số tổ chức, cơ quan, địa phương các sản phẩm để phòng chống virut Covid-19 cụ thể: tặng khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay, xà phòng và bột Cloramin B cho Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Que hàn điện Việt Đức, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và nhân dân một số tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh như Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh với tổng số tiền trên 800 triệu đồng.
Có được những kết quả khả quan đó, theo ông Bùi Thế Chuyên là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Sự chủ động trong việc quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người cán bộ công nhân viên. Chủ động trong công tác hậu cần theo phương châm 3 tại chỗ tại đơn vị sản xuất; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất; đảm bảo việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực. Song song đó là sự chủ động đảm bảo sản xuất ổn định, an toàn, năng suất và việc làm cho người lao động. Đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về phòng chống dịch của các cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý với chi phí hợp lý, tiết kiệm. Sẵn sàng tổ chức lại sản xuất, thích ứng phục hồi trong trạng thái bình thường mới nhằm đảm bảo hoàn thành các kế hoạch SXKD đề ra, góp phần cân đối chung ổn định kinh tế đất nước. Bên cạnh đó còn có vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh của người lao động cũng như của người đứng đầu các đơn vị.
Nhờ vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2021 duy trì được tăng trưởng khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện đạt 47.180 tỷ đồng tăng 25,5% so với thực hiện năm 2020, bằng 111,9% so với kế hoạch; Doanh thu ước thực hiện đạt 49.578 tỷ đồng tăng 20,4% so với thực hiện năm 2020, bằng 112,5% so với kế hoạch; Lợi nhuận ước thực hiện đạt 859,1 tỷ đồng.
Sẵn sàng tái cơ cấu để thích ứng, phục hồi và phát triển trong tình hình mới
Theo ông Bùi Thế Chuyên, nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chương trình tổng thể về thích ứng, phục hồi và phát triển nền kinh tế, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, Vinachem cũng đã xây dựng Chương trình thích ứng và phát triển với mục tiêu xây dựng và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu, hoạt động có hiệu quả và có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính như hóa chất, phân bón…; Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển các nhóm ngành có hiệu quả cao phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng. Xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo thu nhập, an toàn cho người lao động và sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Vinachem tập trung triển khai một số hành động cụ thể. Trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Quyết định, Công điện của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và Tập đoàn về việc tăng cường phòng chống dịch do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra. Đề cao trách nhiệm trong việc chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, xây dựng và phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương các kế hoạch, kịch bản phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho người lao động (bao gồm cả các chuyên gia nước ngoài) và cộng đồng; đồng thời áp dụng đồng bộ các giải pháp để nhanh nhất đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Trước mắt Tập đoàn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể và cấp bách như:
+ Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người lao động của doanh nghiệp; thực hiện 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
+ Các đơn vị tùy theo điều kiện thực tế của doanh nghiệp và kế hoạch mở cửa của các địa phương, cần nhanh chóng vận dụng một cách phù hợp những nội dung hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành các cấp, đặc biệt là hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch để chủ động xây dựng các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
+ Nghiên cứu, vận dụng và tổ chức thực hiện tốt 6 nguyên tắc cơ bản của Thủ tướng Chính phủ để thích ứng tình hình mới: “Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
+ Nhanh chóng thành lập các Tổ công tác phục hồi sản xuất do người đứng đầu doanh nghiệp phụ trách để xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo phương án luôn được cập nhật, rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn xảy ra.
+ Tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương, sớm tiếp cận nguồn tín dụng, cho vay ưu đãi của Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phối hợp với đơn vị thực hiện để thu xếp giải quyết nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị bị ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Tập đoàn chủ động tổ chức sản xuất để đảm bảo cung ứng các hàng hóa không để thiếu hàng gây biến động thị trường đặc biệt là các đơn vị sản xuất nguyên liệu vật tư phòng chống dịch như nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng, oxy…Bám sát sự chỉ đạo của các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền để tích cực tham gia điều tiết, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng của Tập đoàn, đặc biệt là phân bón phục vụ nông nghiệp. Tổ chức lại thị trường, lập lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Triển khai sớm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới Tập đoàn; tổ chức công tác truyền thông về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới Tập đoàn.
Đồng thời rà soát, bổ sung sửa đổi quy chế mua bán sản phẩm giữa các đơn vị trong Tập đoàn cho phù hợp với Luật doanh nghiệp đã sửa đổi cũng như cập nhật các quy định quản lý mới của Nhà nước. Phối hợp sơ kết, tổng kết khen thưởng về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nghiên cứu mô hình quản lý chuỗi Logistics để góp phần triển khai hệ thống phân phối và dự trữ để củng cố thế mạnh trên thị trường. Xác lập hệ thống phân phối theo hướng tiếp cận gần hơn, trực tiếp hơn đến người tiêu dùng cuối cùng bảo đảm mức tiêu thụ, chi phí, khả năng quản lý và đủ sức phục vụ khách hàng. Tích cực tham gia vào nhiệm vụ dự trữ lưu thông, bình ổn giá, đặc biệt là với mặt hàng phân bón.
Tập đoàn cũng sẽ xây dựng và ban hành chương trình hành động của Tập đoàn để thực hiện hiệu quả Chương trình; xây dựng Đề án tái cơ cấu và Kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng Đề án chuyển đổi số của Tập đoàn nhằm chủ động, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian tới.