Trực tiếp từ Hội nghị: EVN hướng tới doanh nghiệp số

Tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN đã chia sẻ chiến lược của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hướng tới doanh nghiệp số.
EVN
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN

 

Ông Lâm khẳng định, chúng ta đang sống ở một trong những thời điểm lịch sử của thế giới, khi biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng, dịch bệnh COVID-19 tràn qua tất cả các quốc gia. Việt Nam cũng đã và đang phải chịu những hậu quả nặng nề từ dịch bệnh này, ngành Điện cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Thích ứng, phục hồi và phát triển trước tình hình hiện nay và trong những năm tới là sự trăn trở chung của rất nhiều doanh nghiệp.

Năm 2021 là năm đầy khó khăn và thách thức không chỉ với Việt Nam mà trên toàn thế giới. Riêng đối với ngành Điện, từ tháng 8 đến tháng 10, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu điện toàn quốc thấp hơn từ 2,8% đến 10% so với cùng kỳ 2020. Điện thương phẩm 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng thấp trong nhiều năm qua.

Trong những năm sắp tới, khi bệnh dịch đi qua thì việc khẩn trương hồi phục phát triển kinh tế sẽ là nhiệm vụ hàng đầu, do đó các mục tiêu phát triển kinh tế vẫn cần duy trì đảm bảo mức tăng trưởng GDP là từ 5-7%/năm. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng phải đảm bảo việc cung cấp điện cho nền kinh tế để đạt được các mục tiêu chiến lược đề ra.

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, thích ứng tốt với những biến đổi của kinh tế xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xác định cần phải thực hiện những giải pháp mạnh mẽ, mục tiêu cụ thể: EVN phải vận hành hệ thống điện trong bối cảnh tỷ trọng năng lượng tăng nhanh và nhu cầu điện sẽ tăng trưởng ở mức độ cao, tái cấu trúc ngành Điện theo hướng cạnh tranh và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế.

Hướng tới doanh nghiệp số

Tập đoàn có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, tích hợp theo chiều dọc, đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết các hoạt động, quy trình nghiệp vụ. Chuyển đổi số tại EVN tập trung lựa chọn và triển khai thực hiện các lĩnh vực trọng tâm sau:

- “Số hóa Dữ liệu”: Với mục tiêu “Một hạ tầng, Một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Tập đoàn 01 nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. 

- “Số hóa công tác Kinh doanh và dịch vụ khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng và mức độ hài lòng cho khách hàng.

- “Số hóa Quy trình nghiệp vụ”: Đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ, thay thế các quy trình nghiệp vụ truyền thống sang quy trình nghiệp vụ số trong Tập đoàn, ứng dụng Chiến lược Đại dương xanh nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số, cải tiến công việc bằng giải pháp mới.

- Tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Công tác số hóa và ứng dụng CNTT trong Tập đoàn đã có mặt tại hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. EVN đã tự phát triển 16 hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn Tập đoàn và hàng chục các ứng dụng đặc thù khác. Các hệ thống phần mềm đã cơ bản đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lõi trong hầu hết các hoạt động điều hành SXKD của Tập đoàn.

Chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng thời kỳ sắp tới là phát triển chiến lược kinh tế số, chiến lược khách hàng là trung tâm, ngành Điện không chỉ phải thay đổi tư duy truyền thống về đảm bảo cung ứng điện, mà còn chủ động cung cấp các dịch vụ điện, nâng cao mức độ trải nghiệm của khách hàng và cá nhân hoá công tác dịch vụ khách hàng trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. EVN sẽ phấn đấu để trở thành doanh nghiệp số từ năm 2022

Trong những năm gần đây, EVN nỗ lực liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, mang đến sự thuận tiện cho khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ số toàn diện trong các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ. Năm 2019, EVN triển khai cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, theo đó toàn bộ hồ sơ giao dịch dịch vụ điện được sử dụng hồ sơ điện tử, chữ ký điện tử.

Đến cuối năm 2021, đã có tới 99,66% số hợp đồng mua bán điện ký mới được khách hàng sử dụng hình thức ký điện tử này. Các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN. Chỉ tính riêng năm 2021:

+ Trong 11 tháng năm 2021, các TCTĐL đã tiếp nhận trên 13,9 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó số yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng chỉ chiếm tỷ lệ 0,34%; các yêu cầu tiếp nhận qua Trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công với số lượng tiếp nhận trên 12,57 triệu yêu cầu, tương ứng 99,66%; xét riêng việc tiếp nhận qua kênh Internet (Cổng DVCQG, website CSKH, App CSKH, Zalo…) thì số lượng yêu cầu tiếp nhận và giải quyết chiếm 45,60%, qua đó cho thấy số lượng yêu cầu qua tổng đài thoại vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

+ Tiếp nhận qua Cổng DVCQG: 11 tháng năm 2021 có 828.433 yêu cầu được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia tương ứng với 55,38% tổng số 1.495.868 yêu cầu.

+ Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt 11 tháng đầu năm 2021 đạt 81,45%, cao hơn 11,14% so với năm 2020.

+ Tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 94,72%, cao hơn 3,0% so với thực hiện năm 2020 (91,72%).

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu kết nối, tích hợp hệ thống quản lý khách hàng của Tập đoàn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong việc cung cấp các dịch vụ điện. Các khách hàng sử dụng điện khi làm các thủ tục về dịch vụ điện sẽ được kiểm tra và tự động chứng thực điện tử các giấy tờ về dân cư như Giấy chứng minh thư nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú...  để ký và thực hiện Hợp đồng với Tập đoàn.

Ngày 9/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 phê duyệt Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 (từ 2022 đến 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay. Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng nằm trong quá trình tái cấu trúc của thị trường điện bán buôn cạnh tranh và sau đó là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đi kèm với lộ trình này là quá trình tái cấu trúc các đơn vị kinh doanh điện năng, những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ đồng thời áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi xuất hiện các đơn vị mua buôn và bán lẻ mới ngoài EVN.

EVN xác định đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh quá trình đổi mới, tái cấu trúc Tập đoàn theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Gio Linh