Trực tiếp từ Hội nghị: Cơ hội cho “hoạt động không tiếp xúc” nhờ công nghệ thông tin

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu như thế nào cho các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, khả năng thích ứng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính tự chủ của nền kinh tế? Những bài học kinh nghiệm trong đợt dịch thứ tư để các doanh nghiệp có những kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế?
cục công nghiệp
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

 

Phát biểu tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương nói chung và Cục Công nghiệp nói riêng đã thể hiện rõ vai trò Cơ quan thường trực Tiểu ban Sản xuất và Lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cũng như các Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ.

Cụ thể, thời gian vừa qua, Bộ đã tích cực phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành các hướng dẫn bảo đảm sản xuất an toàn thích ứng với dịch Covid-19 - tiêu biểu là đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Bộ cũng đã thành lập các Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các địa phương, đồng thời thường xuyên tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến với các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực (như cơ khí, điện tử, ô tô, dệt may, da – giày, giấy, đồ uống, thuốc lá…) để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh. Bộ cũng đã triển khai hiệu quả công tác bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ sản xuất, duy trì hoạt động đối với các dự án sản xuất công nghiệp lớn, quan trọng, góp phần bảo đảm “mục tiêu kép” theo chủ trương của Chính phủ.

Thành quả bước đầu

Phó Cục trưởng Ngô Khải Hoàn nhận định, các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất trong thời gian trước đây là do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước do các quy định về phòng dịch, hạn chế lưu thông và tiêu dùng hàng hóa. Sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng và các hoạt động lưu thông, do đó sản xuất dần được phục hồi và ổn định trở lại. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã kiểm soát tương đối hiệu quả tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn. Một số ngành công nghiệp như ô tô, cơ khí, thép… được dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ các chính sách tích cực của Nhà nước tỏng thời gian tới (như giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông…).

Bài học kinh nghiệm

Theo đại diện Cục Công nghiệp, các doanh nghiệp cần phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước tại địa phương để tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh. Kịp thời phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các hướng dẫn, quy định này nhằm tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.

Đồng chú trọng công tác tái tuyển dụng và đào tạo lao động. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã khiến lực lượng lao động rời khỏi các thành phố lớn để trở về quê, gây nhiều khó khăn cho việc tuyển dụng lao động trở lại phục vụ sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp cần có các giải pháp ưu tiên cho việc tuyển dụng, đào tạo lại lao động, đặc biệt là đối với các ngành hàng xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da – giày, điện tử, chế biến thực phẩm, cụ thể:

- Phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động, giảm trừ các nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn… nhằm sớm đưa người lao động trở lại làm việc.

- Có các kiến nghị cụ thể về chính sách áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép người lao động có thể làm thêm nhiều giờ hơn quy định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm tiến độ giao hàng.

- Có các giải pháp tăng cường bảo đảm phúc lợi của người lao động tại môi trường làm việc như cung cấp phúc lợi cho các lao động làm việc tại chỗ thuộc khu vực bị ảnh hưởng dịch (Ví dụ: cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, bố trí phương tiện vận chuyển cá nhân, trả thêm tiền lương hoặc thù lao cho các lao động làm việc tại chỗ...).

Để đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh trong quá trình phục hồi sản xuất, việc tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng dịch song song với hiệu quả sản xuất là rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau đây:

Về tổ chức vận hành hoạt động của doanh nghiệp:

- Xây dựng lịch trình làm việc tại chỗ theo tuần và theo ngày dựa vào dự báo công việc, quy định của pháp luật hiện hành về lao động.

- Thiết lập giờ làm việc tại từng địa điểm (ví dụ: đối với nhà máy sản xuất, cửa hàng, trung tâm liên lạc…).

- Xác định các vai trò công việc để bố trí các nhóm nhân sự làm việc (nhóm cần quay trở lại văn phòng ngay, nhóm tạm nghỉ hoặc nhóm tiếp tục làm việc từ xa…).

- Thiết lập lịch trình quay trở lại làm việc ở cấp độ nhân viên theo từng khu vực, bao gồm lựa chọn nhân viên nếu số người quay lại vượt mức đăng ký.

- Tăng cường áp dụng làm việc trực tuyến.

Về tái cấu trúc cơ sở vật chất:

Thiết kế nơi làm việc cho phép giữ khoảng cách an toàn, cụ thể:

- Đưa ra quy định để tránh tập trung đông người trong không gian làm việc, ví dụ: phân chia lực lượng lao động nòng cốt, phân chia ca/nhóm làm việc so le, luân phiên…

- Tu sửa cơ sở hạ tầng văn phòng (ví dụ: trang bị thêm bàn làm việc với tấm chắn mica để hạn chế tiếp xúc gần giữa các nhân viên…).

- Thiết kế lại không gian làm việc cá nhân để tạo khoảng cách giữa các nhân viên.

- Thiết kế lại/đóng các không gian làm việc chung để tạo giãn cách.

- Đầu tư vào các công cụ/cơ sở hạ tầng để hỗ trợ làm việc từ xa một cách an toàn (ví dụ: phần mềm làm việc trực tuyến, băng thông mạng, máy tính xách tay, truy cập Wifi / VPN, quản lý truy cập và nhận dạng…).

 Về bảo đảm sức khoẻ và phúc lợi của người lao động trong môi trường làm việc:

- Thiết kế và thực hiện các biện pháp vệ sinh và lên lịch dọn dẹp nghiêm ngặt, thường xuyên.

- Thiết kế và thực hiện các hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo vệ và khoảng cách an toàn giữa các nhân viên.

- Thiết lập các biện pháp đánh giá sức khỏe (ví dụ: kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn…) phù hợp.

- Xây dựng hoặc tiếp cận với các đội ngũ hỗ trợ y tế bên ngoài nhằm sẵn sàng hỗ trợ cho nhân viên.

- Xác định phương thức/ quy trình sàng lọc khách; xem xét các biện pháp quản lý lực lượng lao động dự phòng để đảm bảo biết rõ về các nhân viên làm việc tại văn phòng và nơi họ đã từng đến.

Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của doanh nghiệp

Thực tế đã cho thấy, những khó khăn do Covid-19 gây ra mang lại cơ hội cho các “hoạt động không tiếp xúc” với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, internet, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và dữ liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công thương, góp phần nâng cao hiệu quả và năng suất của các doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số như thương mại điện tử, e-B2C, e-B2B….

Đi liền với các hoạt động dựa trên nền tảng số là sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, nhờ đó mà ngành công nghiệp điện tử, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nền của dịch bệnh những vẫn tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua. Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu điện tử lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và là động lực phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Hải Ninh