Bình Thuận: 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng cao

Lũy kế 4 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Thuận ước đạt 290,7 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 76,2 triệu USD, tăng 34,17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng thủy sản ước đạt 19,6 triệu USD, tăng 21,19% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 3,5 triệu USD, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 53,1 triệu USD, tăng 33,71% so với cùng kỳ.

Lũy kế 4 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 290,7 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, có 3 nhóm hàng hóa đều tăng trưởng cao, gồm: Nhóm hàng thủy sản ước đạt 77,2 triệu USD (tăng 18,88%); nhóm hàng nông sản ước đạt 12,2 triệu USD, (tăng 3,07), riêng mặt hàng thanh long ước đạt 4,6 triệu USD, tăng 20,41%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 201,2 triệu USD (tăng 38,37%).

Thủy hải sản vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Thuận
Thủy hải sản vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Thuận. Ảnh: Báo Bình Thuận

Được biết một số thị trường tiêu thụ hàng hóa của Bình Thuận chủ yếu gồm: Nhật Bản (mặt hàng thủy sản, dệt may, sản phẩm giấy), Đài Loan (Trung Quốc) (mặt hàng bộ quần áo, mực tươi), Hàn Quốc (mặt hàng mực khô, mực tươi, cá tươi), Trung Quốc (hàng thủy sản, quặng và khoáng sản). Bên cạnh đó còn có thị trường Mỹ (hàng thủy sản, giày dép, sản phẩm giấy), Colombia (mặt hàng giày dép, mực tươi), Canada (mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy), Campuchia và Philippines (mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi)…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 139,3 triệu USD, giảm 3,93% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng năm 2025, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 544,5 triệu USD, tăng 19,13% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu vẫn là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, giấy…

Ở lĩnh vực công nghiệp, những tháng đầu năm sản xuất công nghiệp trên địa bàn duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực. Một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo trọng điểm có mức tăng trưởng như: sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan,… Tuy nhiên ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2025 ước tăng 1,56% so với tháng trước và giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,77% so với cùng kỳ.

Tại buổi họp nghe báo cáo chuyên đề về kịch bản phát triển tổng sản phẩm (GRDP) quý II/2025 trên địa bàn tỉnh vào ngày 25/4, ông Đỗ Hữu Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, mặc dù kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quý I của tỉnh cơ bản có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu đạt thấp. Để đạt tăng trưởng cả năm 8% thì nhiệm vụ của quý II và thời gian còn lại của năm 2025 rất cấp bách, nặng nề trong bối cảnh hiện nay. Do đó yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát lại các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp để triển khai thực quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho từng chỉ tiêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo chuyên đề, kịch bản phát triển tổng sản phẩm (GRDP) quý II/2025 trên địa bàn tỉnh và phát triển kinh tế trong thời gian tới
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy chủ trì cuộc họp nghe báo cáo chuyên đề, kịch bản phát triển tổng sản phẩm (GRDP) quý II/2025 trên địa bàn tỉnh và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Theo đó, ở lĩnh vực công nghiệp, yêu cầu tăng từ 5,8%-15,17%, con số này rất cao, trong khi đó, ngành sản xuất và phân phối điện là động lực chính, cần có giải pháp để nâng mức điện sản xuất trên 11% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công trình trọng điểm; rà soát tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án đầu tư xây dựng đi vào hoạt động theo tiến độ; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.

Đề cập đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 9,15% thì đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt; mục tiêu cuối năm 2025 ngành du lịch thu hút 10,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 29.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ đạt trên 125.000 tỷ đồng.

Đối với thương mại, bán lẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy đề nghị Sở Công Thương cần nghiên cứu vận động, thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tổ chức các gian hàng, khu trưng bày riêng về đặc sản Bình Thuận tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Về lĩnh vực thủy sản cần có giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng năng suất. Tập trung khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn; nâng cao chất lượng giống tôm để hỗ trợ tăng trưởng lĩnh vực này.

Hạ Vĩ