Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận (Trung tâm), nguồn kinh phí khuyến công quốc gia những năm qua đã tác động lớn tới sự phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến đã ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tiếp sức doanh nghiệp từ các đề án khuyến công quốc gia
Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận được Bộ Công Thương phê duyệt kinh phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quốc gia năm 2023 cho 03 đề án để hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 05 cơ sở sản xuất công nghiệp gồm: (1) Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm của Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai và Hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết, (2) Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Lê, (3) Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế An Bình và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Covinest.
Ngay sau khi Trung tâm tiến hành phối hợp với các đơn vị thụ hưởng cùng các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu các đề án trong năm 2023. Đến thời điểm này, qua kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả các đề án trên cho thấy, thông qua việc thực hiện hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiên vào sản xuất công nghiệp từ chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023 đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp cho địa phương của tỉnh.
Tăng năng suất sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm
Ghi nhận từ đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” của Hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết và Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023.
Cụ thể, đối với Hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết đã đầu tư máy mới 100% chiết rót tương ớt 4 vòi 5 lít kèm hệ thống siết nắp có công suất: 700 - 1.200 chai/giờ. Tổng giá trị máy móc thiết bị là 464.400.000 đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ là 200.000.000 đồng, kinh phí đóng góp của Công ty là 264.400.000 đồng.
Việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia đã góp phần tăng năng suất sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm tương, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn, tạo sự yên tâm cho người dân khi sử dụng. Tăng giá trị sản xuất công nghiệp và góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.
Cùng với đó, với tổng giá trị máy móc thiết bị là 611.280.000 đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ là 300.000.000 đồng, kinh phí đóng góp của Công ty là 311.280.000 đồng.
Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai đầu tư 01 máy chiết rót đóng chai tự động có công suất: 1.000 – 2.000 chai/giờ; máy mới 100%; và máy dán nhãn chai vào dây chuyển sản xuất chế biến nước mắm tại doanh nghiệp đã giúp tăng năng suất, sản phẩm sau khi được chiết rót và dán nhãn bằng máy sẽ cho dung tích chính xác, đồng nhất, sản phẩm có tính thẩm mỹ và đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Tiếp tục “tiếp sức” tại đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung” của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Lê từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ 300.000.000 đồng, Công ty đã mạnh dạn đầu tư 01 máy ép gạch không nung có công suất: 6.000 viên/ca, xuất xứ: Việt Nam, máy mới 100% vào sản xuất. Đến nay, máy móc thiết bị đầu tư đi vào hoạt
động sẽ giúp Công ty từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất gạch không nung, giúp phát huy hiệu quả nguồn lực sẵn có tại địa phương, nhất là nguồn tài nguyên cát, đá, đất, chất thải rắn công nghiệp, tạo ra sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hợp lý, cung cấp cho thị trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận.
Tập trung công tác hỗ trợ các ngành nghề chủ lực
Ông Đặng Trung Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ bám sát và triển khai thực hiện tốt nội dung chương trình, chính sách Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung ương và địa phương); các các đề án được phê duyệt trong kế hoạch năm 2024. Kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở CNNT về quy định thủ tục hồ sơ, chứng từ và trách nhiệm của cơ sở CNNT trong quá trình triển khai thực hiện đề án, tránh tình trạng đề án được phê duyệt nhưng không thực hiện được.
Bên cạnh đó, nâng cao việc tuyên truyền về các hoạt động khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại tại các địa phương trên báo đài của tỉnh Bình Thuận. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại đến các địa phương để đảm bảo công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch các năm tiếp theo có chất lượng, nhiều nội dung hoạt động, hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp.
Đồng thời, tập trung công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các ngành nghề chủ lực, sản xuất các sản phẩm đặc trưng lời thế của tỉnh nhằm tranh thủ nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia của Trung ương.