Hãng tin Bloomberg cho biết Chính phủ Đức đang thảo luận đề xuất hạn chế xuất khẩu các hóa chất quan trọng sử dụng trong quy trình sản xuất chip sang Trung Quốc. Đức tuy không sở hữu các công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhưng ngành công nghiệp hoá chất của nước này đang cung cấp nhiều loại hoá chất quan trọng để sản xuất chip cho các công ty trên toàn thế giới.
Giới quan sát đánh giá động thái này của Đức là một phần trong các biện pháp chiến lược của phương Tây dẫn đầu là Hoa Kỳ trong việc hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ cần thiết trong sản xuất chip cao cấp.
Hiện Hoa Kỳ đang vận động nhiều quốc gia trên thế giới ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ then chốt, bao gồm chip bán dẫn. Chip bán dẫn là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, hiện diện trong mọi thiết bị điện tử từ ô tô đến tủ lạnh. Trong tháng trước, Hà Lan đã đồng ý tham gia nỗ lực Hoa Kỳ với việc hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Các loại hoá chất, máy móc, công nghệ và dịch vụ sử dụng cho sản xuất chip thường rất khó thay thế trên thị trường hiện nay. Nếu Chính phủ Đức thông qua đề xuất trên, các tập đoàn hoá chất lớn nhất Đức như Merck và BASF sẽ phải ngưng cung cấp nhiều loại hoá chất quan trọng cho Trung Quốc.
Hiện BASF là nhà cung cấp hoá chất sản xuất chip lớn nhất cho khu vực châu Âu và châu Á, bao gồm hãng TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) - hãng gia công chip lớn nhất thế giới. Trong khi đó, theo giới thiệu trên website của hãng Merck, hầu hết mọi con chip trên thế giới đều sử dụng một trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của hãng này. Merck chuyên cung cấp các hoá chất chuyên dụng, thiết yếu cho quá trình sản xuất chip như: làm sạch, khắc axit, quang khắc, tạo phẳng cơ học hóa học và lắng đọng ướt.
Nếu không có nguồn cung hoá chất từ Merck và BASF, Trung Quốc có thể gặp nhiều thách thức hơn trong việc phát triển các công nghệ chip tiên tiến và thậm chí năng lực sản xuất chip nói chung của nước này cũng có thể bị suy yếu.
Hãng tin Bloomberg cũng cho biết giới chức Đức nhận thức được rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu hoá chất nếu được áp dụng có thể làm tổn hại đến quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Trong một phiên họp với Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck diễn ra vào ngày 27/4 tại Berlin, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đàođã bày tỏ lo ngại trước thông tin Đức cân nhắc hạn chế xuất khẩu hóa chất chip sang Trung Quốc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với người tiền nhiệm bà Angela Merkel đối với Trung Quốc trong việc cân bằng giữa các lợi ích kinh tế mà Trung Quốc đem lại cũng như các lo ngại về an ninh quốc gia.
Dự kiến vào ngày 20/6 tới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ có cuộc họp tại Berlin để giảm căng thẳng giữa châu Âu và Trung Quốc trong các sự việc có liên quan gần đây, bao gồm cả lời kêu gọi tách rời quan hệ kinh tế với Trung Quốc.