Các kịch bản năm 2021 đều hướng đến đảm bảo đủ điện
Báo cáo với Thứ trưởng về kết quả thực hiện kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện 8 tháng đầu năm 2020, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc gia năm 2020 thấp hơn 6,46% so với kế hoạch đã được Bộ duyệt (Quyết định số 3733/QĐ-BCT) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia những tháng đầu năm 2020 ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh
Cụ thể, về phát điện, các nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí, các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn nhiệt điện chạy dầu được huy động để bù đắp sản lượng thiếu hụt từ các nguồn thủy điện do tình hình thủy văn năm 2020 diễn biến theo hướng phức tạp trong 7 tháng đầu năm, đặc biệt các miền Bắc và miền Trung.
Tính đến giữa tháng 8/2020, tổng sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia đạt 163,392 tỷ kWh, cao hơn 1,63% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn 9,291 tỷ kWh so với kế hoạch từ đầu năm.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm sản lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện mặt trời cao hơn so với kế hoạch. Uớc tính, đến hết năm 2020, sản lượng nguồn điện mặt trời cao hơn 78 triệu kWh, sản lượng nguồn điện gió cao hơn 192 triệu kWh.
Thông tin về tình hình sản xuất điện than 8 tháng đầu năm, đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, 8 tháng đầu năm sản xuất 7 tỷ KWh điện than đạt 70% kế hoạch đề ra. Dự kiến năm 2021, TKV phấn đấu đạt 10 tỷ KWh, trong đó điện thương phẩm đạt 8,8 tỷ KWh.
Về tình hình cung ứng than, trong 8 tháng đầu năm, TKV đã cung cấp 26,04 triệu tấn than, đạt 63,8% so với kế hoạch ban đầu, cung cấp cho 21 nhà máy điện. Theo kế hoạch, cả năm 2020, TKV cung cấp 38,4 triệu tấn than cho các đơn vị.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng cho biết, 8 tháng đầu năm, tại khu vực Đông Nam Bộ, PV GAS cung cấp khoảng 16,5 triệu m3/ngày cho các nhà máy điện khí. Dự kiến năm 2021, PV GAS hoàn toàn đủ khả năng cung cấp khí cho các nhà máy ở các khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, các dự án điện BOT.... Trong đó, khả năng cấp khí cho phát điện ở khu vực Đông Nam Bộ ở mức 19-20 triệu m3/ngày, khả năng cấp khí cho phát điện khu vực Tây Nam Bộ ở mức 3,7 triệu m3/ngày.
Thống nhất quan điểm với EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cũng nhận định, hệ thống điện quốc gia nhìn chung sẽ đảm bảo cung ứng điện trong năm 2020 trong trường hợp tình hình thủy văn thuận lợi, độ khả dụng của các nhà máy nhiệt điện than được đảm bảo.
Ước tính đến hết năm 2020, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc gia đạt 244,557 tỷ kWh, tăng 1,9% so với năm 2019, thấp hơn 6,46% so với Kế hoạch cung cấp điện năm 2019 đã được Bộ Công Thương duyệt tại Quyết định số 3733/QĐ-BCT ngày 16/12/2019.
Dự kiến trong năm 2021, các nguồn điện mới sẽ được đưa vào vận hành như một số thuỷ điện Yên Sơn, thuỷ điện Hồi Xuân, Đa Nhim mở rộng…; Một số tổ máy của các nhà máy BOT Hải Dương; NĐ Sông Hậu I; NĐ Duyên Hải II. Bên cạnh đó, dự kiến trong năm 2021 cũng sẽ có thêm 2.818 MW Điện mặt trời và Điện gió được vận hành thương mại.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Cục Điều tiết Điện lực đã xây dựng 2 phương án sơ bộ cung cấp điện cho năm 2021. Ở phương án thấp, điện sản xuất đầu cực đạt 268,0 tỷ KWh; với phương án cao, điện sản xuất đầu cực đạt 269,9 tỷ KWh.
“Trong cả 2 phương án tính toán, hệ thống điện quốc gia đều đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt đều không phải huy động các nguồn điện chạy dầu.
Các nguồn điện than, khí, thủy điện nhìn chung được huy động cao. Nguồn điện năng lượng tái tạo được dự kiến phát cao hơn đáng kể so với năm 2020, cao hơn 8,374 tỷ kWh”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng phụ tải điện năm 2020 ở mức thấp, tăng 1,89% so với cùng năm 2019, thấp hơn 7,16% so với dự báo tại Quyết định số 3733/QĐ-BCT.
Covid-19 được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp và có nhiều khả năng kéo dài sang đầu năm 2021 do vậy, tăng trưởng phụ tải điện năm 2021 cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo nhận định ngày 30/7/2020 của Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 dự kiến ở mức 6,7-6,8%. Tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, mức tăng trưởng GDP năm 2021 trong trường hợp này được nhận định ở mức 4,5%.
“Cần thiết phải đánh giá thêm các kịch bản tăng trưởng phụ tải tương ứng với các mức tăng trưởng GDP năm 2021. Phải đánh giá chi tiết tiến độ các nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện năng lượng tái tạo dự kiến vào vận hành trong năm 2021, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện lớn Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2, BOT Hải Dương và các nguồn điện mặt trời-gió”, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đảm bảo đủ điện trong mọi tình huống
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực cố gắng của các đơn vị trong việc đảm bảo cung cấp điện trong 8 tháng đầu năm của năm 2020.
Để đảm bảo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng còn lại của năm 2020, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị, EVN thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình thủy văn của các hồ chứa thủy điện để xây dựng kế hoạch tích nước các hồ chứa thủy điện đến cuối năm 2020 cho phù hợp, đảm bảo đủ nước cho phát điện mùa khô năm 2021.
Đối với Tập Đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Thứ trưởng yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ khí và ưu tiên khí cho phát điện. Yêu cầu, TKV phối hợp cùng Tổng Công ty Đông Bắc đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện.
Về kế hoạch cung cấp điện năm 2021, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị Vụ Dầu khí và Than giao đầu mối tiếp tục chủ trì giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến phân bổ các nguồn khí theo nguyên tắc hài hòa lợi ích của các hộ tiêu thụ, trong mọi trường hợp phải đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho phát điện.
Đối với EVN, Thứ trưởng giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi, bám sát và đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP trên cơ sở ước kết quả thực hiện năm 2020; Dự báo phụ tải điện chi tiết theo từng thành phần phụ tải trên cơ sở cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19...
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa các hệ thống cung cấp khí và tiến độ khai thác của các nguồn khí mới; đánh giá, phân tích thuận lợi và khó khăn vướng mắc (nếu có) trong công tác đảm bảo cung ứng điện năm 2021; đề xuất các giải pháp cụ thể và trọng tâm nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân năm 2021...
Với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị tiếp tục đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện và đảm bảo chất lượng của than theo hợp đồng đã ký.
Với các đơn vị phát điện, Thứ trưởng đề nghị, các nhà máy thủy điện tích cực phối hợp với đơn vị điều độ lập phương án thực hiện tích nước các hồ chứa thủy điện lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2020. Các nhà máy nhiệt điện than, khí có kế hoạch phối hợp với nhà cung cấp nhiên liệu đảm bảo cấp đủ nhiên liệu theo kế hoạch phát điện dự kiến.
“Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp, sẽ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020 và năm 2021”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.