Yêu cầu đặt ra của Chương trình là đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 trong toàn ngành Công Thương để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường đề ra tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các Tổng công ty, Công ty, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị; xử lý nghiêm các hành vi gây ra thất thoát lãng phí; làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế để tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được tiến hành đồng bộ với các hoạt động Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cải cách hành chính, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của các đơn vị thuộc ngành Công Thương.
Thường xuyên, liên tục phổ biến các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Công Thương.
Theo đó, xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương, các Tổng công ty, Công ty TNHH một thành viên và các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương. Đây là yếu tố quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để đạt được các yêu cầu trên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 ngành Công Thương cần triển khai tốt các nhiệm vụ sau:
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, trong đó trọng tâm là cải tổ xây dựng lại bộ máy tổ chức với mục tiêu gọn nhẹ, hiệu quả, kiện toàn bộ máy và tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chống quan liêu phiền hà trong thực thi công vụ;
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
Triển khai quyết liệt các quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phẩn, thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp, giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Đẩy mạnh việc chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng;
Công tác tái cơ cấu, đổi mới phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
Tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó quan tâm tới phát triển cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: nông, lâm, thủy sản, dệt may, đồ gỗ…;
Triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTq ngày 13/3/2019, trong đó Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình;
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025;
Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa nạn hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng;
Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chống quan liêu phiền hà trong thực thi công vụ;
Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chỉ thường xuyên ngoài lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương;
Thường xuyên rà soát, xây dựng, hoàn thiện và bổ sung hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025;
Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động. Phấn đấu tinh giản biên chế hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả làm việc trong các đơn vị thuộc Bộ Công Thương;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh thực hiện công khai, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa trong quản lý; thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một số chỉ tiêu tiết kiệm trong ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025:
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chỉ tiêu ngân sách nhà nước để giảm chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước.
Thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn Luật; thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định. Việc bố trí vốn đầu tư công phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025.
Quản lý, sử dụng kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức, nội dung hỗ trợ đầu tư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương của chương trình, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
Tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công.
Thực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các dự án sử dụng công nghệ tái chế nước thải và chất thải; các dự án sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hướng tới mục tiêu tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% vào năm 2025.
Tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án tái cơ cấu tổng thể cho giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các Tổng công ty nhà nước.
Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác do Bộ Công Thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm tham gia vào hoạt động điều hành doanh nghiệp để thực hiện tiết kiệm tối đa năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng suất lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính.