Các lĩnh vực đã được Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua tương đối rộng, trên nhiều lĩnh vực như: điện lực, hóa chất, an toàn thực phẩm, thuốc lá, rượu, ô tô, xăng dầu, khí....
Tại văn bản số 4417/BC-BKHĐT ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp có nêu theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ (tháng 5/2019), các Bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu).
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã được triển khai một cách toàn diện và được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao.
Theo báo Nhân dân (điện tử) , cả hai đầu mối có chức năng tập hợp, đánh giá tiến độ cắt giảm điều kiện kinh doanh là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và CIEM đều cho rằng, đợt rà soát điều kiện kinh doanh năm 2018 đã thể hiện được tinh thần cải cách, hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo VCCI , việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2018 được thực hiện trong tâm thế chủ động, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Chính phủ đến các Bộ. Và Bộ Công Thương được xem là cơ quan đi đầu trong hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh, bằng việc đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện, chiếm hơn 55% số điều kiện trong toàn ngành Công Thương.
Điểm đáng ghi nhận ở đợt rà soát lần đầu là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Những điều kiện kinh doanh trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát vừa qua cũng đã được cân nhắc, xem xét để điều chỉnh.
Một trong những điểm sáng nổi bật là các điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt về quy mô cũng bị loại bỏ rất nhiều.
Chẳng hạn Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí đã bỏ các điều kiện về số lượng chai LPG tối thiểu, dung tích tối thiểu của bồn chứa, hệ thống phân phối LPG theo từng cấp với số lượng tối thiểu tổng đại lí, đại lí kinh doanh LPG…
Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã bãi bỏ các điều kiện về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng (5.000 tấn thóc) công suất tối thiểu của cơ sở xay xát (10 tấn thóc/giờ) và quyền sở hữu kho hàng đối với kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực khác cũng được cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như bãi bỏ quy hoạch các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; bãi bỏ, đơn giản hóa một số điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trong điều kiện cấp phép các hoạt động liên quan đến chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá; đơn giản hóa một số điều kiện liên quan đến cấp Giấy phép hoạt động điện lực, Giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Giấy phép tư vấn đầu tư xây dưng công trình nhà máy thủy điện, Giấy phép tư vấn đầu tư xây dựng công trình nhà máy nhiệt điện và quy định liên quan đến quy hoạch về điều kiện cấp giấy phép tư vấn quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo số 4417/BC-BKHĐT ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương thuộc nhóm các Bộ, ngành đạt yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.