Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ "Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng".
Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10 tháng 01 năm 2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, căn cứ khoản 2 Điều 19 và Điều 84, Điều 87 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Không phát sinh quy định kinh doanh hay thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” hướng đến các muc đích: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp lý về ghi nhãn hàng hóa, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành; (ii) Xây dựng bộ tiêu chí để giúp các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước xác định được hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, làm cơ sở thực hiện cho một số hoạt động khác như thể hiện xuất xứ, nguồn gốc trên nhãn, bao bì hàng hóa, quảng cáo hàng hóa, xây dựng thương hiệu,…; (iii) Thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng; (iv) Bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” được tiến hành trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo chủ yếu.
Một là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh, củng cố và bảo vệ uy tín hàng hoá của Việt Nam; ngăn chặn gian lận trong việc xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng;
Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hoá lưu thông tại thị trường nội địa;
Ba là, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của hoạt động sản xuất tại Việt Nam, phù hợp với cam kết quốc tế'
Bốn là, không làm phát sinh quy định, điều kiện đầu tư kinh doanh hay thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Dự thảo Nghị định đề xuất quy định cách xác định và thể hiện hàng hóa sản xuất tại Viêt Nam trong hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Nghị định dự kiến loại trừ một số hàng hoá ra khỏi phạm vi điều chỉnh, bao gồm những hàng hóa: Không nhằm mục đích lưu thông trong nước (không thuộc đối tượng trong hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam) như hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng 8 hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa trung chuyển; hành lý của người xuất cảnh, nhập khẩu; tài sản di chuyển; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa. Riêng hàng hoá nhằm mục đích xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được, trở lại lưu thông trong thị trường trong nước vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định; Có bản chất không thể thay đổi như bất động sản, hàng hóa đã qua sử dụng; hoặc Thuộc diện quản lý chuyên ngành vì mục đích an ninh quốc phòng, hàng hóa đặc biệt hoặc phục vụ trường hợp khẩn cấp (không nhằm mục đích thương mại) như hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh, phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không.
Đối tượng áp dụng Nghị định là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung chính sách đề xuất và giải pháp thực hiện
Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa, bổ sung quy định về tiêu chí để hàng hóa được xác định là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (xuất xứ Việt Nam) đối với hàng lưu thông trong nước, Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ quy định bộ tiêu chí dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam áp dụng đối với hàng lưu thông trong nước.
Mục tiêu của chính sách nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về xuất xứ và ghi nhãn xuất xứ hàng hóa Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước; làm cơ sở thực hiện cho một số hoạt động khác như thể hiện xuất xứ trên nhãn, bao bì hàng hóa, quảng cáo hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đầu tư…; Tạo cơ sở để doanh nghiệp, cơ quan quản lý, người tiêu dùng xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa lưu thông trong nước một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành; Tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trong nước trở nên minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tiêu thụ hàng hóa trong nước; Tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; bảo vệ hàng sản xuất trong nước; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Theo đó, dự kiến thực hiện ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, cụ thể: Quy định hàng hóa được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau: hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa; Quy định các tiêu chí cụ thể trong trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam: chuyển đổi mã số hàng hóa, tỷ lệ phần trăm giá trị hay công đoạn gia công cụ thể; Quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản mà hàng hóa sẽ không được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nếu chỉ trải qua một hoặc hoặc kết hợp nhiều công đoạn này; Quy định trách nhiệm của các đối tượng liên quan trong việc xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.