Cùng tham gia Đoàn công tác Bộ Công Thương có đại diện Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Công nghiệp, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM).
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Bộ Công Thương với cương vị là thành viên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Mục đích của Đoàn công tác nhằm nắm bắt, trao đổi thông tin để trong thẩm quyền của Bộ Công Thương kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của Doanh nghiệp, đồng hành cùng Doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc thực hiện phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”.
Đoàn cũng sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị phương án phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam khẳng định, Toyota luôn đồng thuận với chủ trương của Chính phủ Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp ô tô. Vì vậy, Toyota Việt Nam không ngừng nỗ lực gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam bằng việc kêu gọi đầu tư và hỗ trợ cải thiện năng lực của các nhà cung cấp nội địa, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng Ban Đối ngoại của Công ty Toyota chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nói chung và Toyota nói riêng chịu ảnh hưởng rất lớn.
Tập thể Lãnh đạo, người lao động của Công ty đã rất nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, trong năm 2021, đặc biệt là Quý III/2021, các lĩnh vực đều rất khó khăn, ảnh hưởng đến cả cung và cầu. Quy mô sản xuất tại Toyota giảm, các đại lý phải đóng cửa hoặc làm việc tại nhà; các chi phí phát sinh tăng cao (chi phí phòng chống dịch, logistics…).
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết Toyota không ngừng cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao và dịch vụ sau bán hàng tốt nhất nhằm mang đến sự hài lòng cho khách hàng, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Toyota cũng luôn nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội Việt Nam với nhiều hoạt động dài hơi, thiết thực và đầy ý nghĩa.
Với mong muốn được tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam, Toyota đặt ra chiến lược phát triển hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, vì vậy, Toyota đã làm việc với các nhà cung cấp để giảm chênh lệch chi phí, hỗ trợ các nhà cung cấp nội địa nâng cao chất lượng sản phẩm…
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đặt vấn đề, với những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh như vậy, sau khi Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” kèm theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, hoạt động sản xuất của Công ty còn gặp phải khó khăn, vướng mắc nào không.
Thứ trưởng cũng quan tâm trao đổi với Lãnh đạo Toyota các vấn đề các vấn đề liên quan đến kế hoạch tăng trưởng sản xuất, lắp ráp xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu) trong khoảng thời gian từ 01/01 – 31/5/2022 của Công ty để tận dụng cơ hội trăng trưởng doanh số xe CKD từ chính sách hỗ trợ về mức thu lệ phí trước bạ (theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP sẽ giảm 50%) của Chính phủ; kế hoạch mở rộng sản xuất và phân phối các dòng xe mới, trong đó có xe điện hóa, tại Việt Nam; đề nghị Toyota xem xét, dịch chuyển sản xuất, thiết lập chuỗi sản xuất tại Việt Nam để tận dụng các ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định chi tiết tại Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021.
Đối với những vấn đề Thứ trưởng đặt ra, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Hiroyuki Ueda cho biết, Toyota sẽ tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng về việc tận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ Việt Nam và các giải pháp khắc phục khó khăn trong bối cảnh Covid-19.
Theo đó, Toyota Việt Nam đã triển khai theo hướng dẫn kèm theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ để khắc phục khó khăn, đến nay, cũng đã có những chuyển biến tích cực hơn. Về vấn đề tăng trưởng dòng xe CKD và xe điện hóa, ông Hiroyuki Ueda khẳng định, Công ty cũng đang nỗ lực triển khai và sẽ có lộ trình phát triển trong thời gian tới để phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đánh giá cao những hoạt động của Toyota vì quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn 2020 – 2021, Công ty Toyota có 10 chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật. Theo đó, Công ty đã chủ động rà soát và dừng việc cung cấp các xe bị ảnh hưởng ngay khi phát hiện ra khuyết tật. Toyota đã thông báo công khai về các chương trình thu hồi theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
Đối với việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, bà Đỗ Phương Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, vì vậy, Toyota Việt Nam nên khai thác những cơ hội mà RCEP mang lại để tạo động lực cho sự phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận những nỗ lực của Công ty Toyota Việt Nam nhằm khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh và có những hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
Thứ trưởng đánh giá cao những ý kiến thiết thực, hiệu quả và những chia sẻ rất thẳng thắn của Công ty Toyota Việt Nam tại buổi làm việc. Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vì vậy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu các doanh nghiệp nói chung, Toyota nói riêng có bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào, có thể trao đổi trực tiếp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp nhận và xử lý các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền; trường hợp quá thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Một số hình ảnh Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Đoàn công tác Bộ Công Thương đã tham quan nhà máy sản xuất của Công ty Toyota Việt Nam trong khuôn khổ buổi làm việc: