Công điện gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc; các Tập đoàn trong ngành Công Thương; các chủ đập thủy điện và công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ.
Theo đó, thực hiện Công điện số 797/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét tại Lào Cai và chủ động ứng phó với mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ.
Xem nội dung Công điện số 797/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại đây.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố
Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn triển khai công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Tăng cường chỉ đạo các đơn vị điện lực, khai thác, chế biến khoáng sản và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn quản lý triển khai công tác đảm bảo an toàn và phương án ứng phó với mọi tình huống thiên tai.
Rà soát các khu vực có thể bị chia cắt do mưa lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân, đặc biệt là các khu vực bị chia cắt, cô lập do thiên tai gây ra.
Sở Công Thương tỉnh Lào Cai theo chức năng quản lý nhà nước được giao, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện đang vận hành phát điện và các dự án đang thi công trên địa bàn nếu có nguy cơ mất an toàn phải dừng thi công, di dời người, thiết bị đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý các thông báo về lũ và ngập lụt trên địa bàn để có phương án ứng phó kịp thời.
Theo dõi cập nhật tình hình các hồ thủy điện trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Các Tập đoàn trong ngành Công Thương
Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý triển khai công tác ứng phó thiên tai và chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thành viên tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập tại khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ, đảm bảo cấp điện an toàn phục vụ công tác phòng chống mưa lũ và đảm bảo điện cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Các chủ đập thủy điện tại các tỉnh, thành phố
Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường, vận hành đảm bảo an toàn công trình.
Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang (cương quyết không để người, vật tư, thiết bị ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ gây mất an toàn), đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cảnh báo, thông tin kịp thời cho người dân khu vực vùng hạ du khi triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Cơ sở khai thác khoảng sản tại các tỉnh, thành phố
Nghiêm túc triển khai phương án phòng chống mưa bão của đơn vị theo phương châm 4 tại chỗ.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ gây sạt trượt do đất, đá bị mưa nhiều ngày bão hòa làm giảm cơ tính của đất, các sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải... để phát hiện nguy cơ sạt lở đất, không đảm bảo an toàn để có biện pháp, cảnh báo và xử lý kịp thời.
Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa lớn kéo dài, ngập úng.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị ngành Công Thương tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lũ từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sẵn sàng lực lượng phương tiện ứng phó với các tình huống thiên tai, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện này, thường xuyên báo cáo thông tin về Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.
Theo báo cáo nhanh của trực ban thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Văn Bàn và thành phố Lào Cai, tính đến 10h ngày 14/9/2023 đã có 6 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương do lũ quét gây ra từ đêm ngày 12/9 đến sáng ngày 13/9/2023.
Mưa lũ đã làm 20 nhà ở bị thiệt hại, trong đó 01 hộ bị cây đổ làm sập toàn bộ nhà và bếp, 04 nhà ở bị thiệt hại từ 50 - 70% và 15 nhà ở thiệt hại <30%. Ngoài ra 01 nhà có nhà bếp (tạm) sập đổ 01 nhà.
Về sản xuất nông - lâm nghiệp, 0,51ha diện tích đất trồng lúa bị vùi lấp hoàn toàn; 97,06ha lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại; 65,86ha diện tích ngô, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại; nhiều cây trồng, ao cá bị ảnh hưởng nặng nề.
Về cơ sở hạ tầng, nhiều đoạn đường bị sụt sạt, hư hỏng, có nơi phương tiện chỉ lưu thông được 1 chiều, nguy cơ tiếp tục sạt lở gây đứt đường làm ách tắc giao thông là rất cao. Hư hỏng 2 công trình thủy lợi; đổ 2 cột điện đường dây 0,4kV.
Ngoài ra, có nhiều thiệt hại khác về tải sản. Ước giá trị thiệt hại ban đầu về kinh tế khoảng 260 tỷ đồng, riêng thị xã Sa Pa khoảng 250 tỷ đồng.