Bộ Công Thương gửi thẩm định dự thảo Nghị định về điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương vừa qua đã có Văn bản số 3525/BCT-ĐL ngày 25/5/2024 gửi Bộ Tư pháp về hồ sơ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để tổ chức thẩm định theo quy định.
Dự thảo Nghị định đề xuất nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Dự thảo Nghị định đề xuất nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Theo đó, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bao gồm 04 Chương với 21 Điều, các biểu mẫu tại Phụ lục kèm theo, cụ thể như sau: 

Chương I. Những quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Chương II. Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Điều 4. Nguyên tắc phát triển

Điều 5. Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia

Điều 6. Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia

Điều 7. Chính sách khuyến khích

Chương III. Hoạt động đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Điều 8. Cơ quan có thẩm quyền cấp và tiêu chí cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển

Điều 9. Hồ sơ đề nghị phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia

Điều 10. Hồ sơ đề nghị phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia

Điều 11. Hình thức nộp hồ sơ

Điều 12. Trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển và triển khai thực hiện điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Điều 13. Nội dung nêu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan

Điều 14. Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung

Điều 15. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký phát triển

Chương IV. Tổ chức thực hiện

Điều 16. Trách nhiệm của các bộ, ngành

Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Điều 18. Trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Điều 19. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng

Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đối tượng là mái nhà các công trình xây dựng hiện hữu gồm: nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vi của Nghị định này nếu thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng
Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng

Tại Điều 4 dự thảo Nghị định quy định 6 nguyên tắc cơ bản phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, bao gồm:

- Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng với các đối tượng được quy định tại Nghị định này.

- Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán điện dưới mọi hình thức.

- Tổng công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phê duyệt trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

- Công trình xây dựng hiện hữu trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm đã tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy và phải có báo cáo đánh giá an toàn. Phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

- Khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, tổ chức, cá nhân phải lựa chọn thiết bị tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và không sử dụng các thiết bị đã qua sử dụng.

- Các hành vi trái quy định trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (chi tiết trong dự thảo Nghị định).

Dự án trên 1,0 MW nếu phát lên lưới phải lắp hệ thống giám sát từ xa và kết nối với đơn vị điều độ

Tại Điều 5 dự thảo Nghị định quy định đến đối tượng phát triển điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, trong đó: (i) Tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này; (i) Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất (như nội dung được nêu trong Quy hoạch điện VIII).

Tại Điều 6 dự thảo Nghị định quy định đến đối tượng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, trong đó: 

(i) Tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này; 

(ii) Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia; 

(iii) Tổ chức, cá nhân căn cứ quy mô, sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu sử dụng điện để thực hiện đăng ký công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm công suất đề nghị phát triển nhỏ hơn hoặc bằng phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký; 

(iv) Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt trên 1,0 MW và lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa và kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia; 

(v) Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối tại khu vực đăng ký phát triển.

Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia
Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia

Tại Điều 7 dự thảo Nghị định đề cập đến 06 chính sách khuyến khích, trong đó: 

(i) Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát triển theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13; 

(ii) Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; 

(iii) Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; 

(iv) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để lưu trữ sản lượng điện dư phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại chỗ, tiết kiệm, hiệu quả; 

(v) Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông quy định tại Nghị định này; 

(vi) Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tự chứng nhận theo quy định của pháp luật việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong vận hành đối với hệ thống điện quốc gia

Tại Điều 18 Dự thảo quy định về trách nhiệm của EVN, trong đó: 

(i) Thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc tổng hợp, thống kê, kiểm soát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt; 

(ii) Phối hợp với cơ quản quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và kiến nghị xử lý hoạt động phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện quốc gia; 

(iii) Tổ chức đánh giá việc các nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện; 

(iv) Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong vận hành đối với hệ thống điện quốc gia.

Tại Điều 20 quy định điều khoản chuyển tiếp gồm: 

(i) Tổ chức, cá nhân có dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà trước ngày 1/1/2021 và đang thực hiện bán điện với đơn vị điện lực không được đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại cùng địa điểm; 

(ii) Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sau ngày 31/12/2020 đến ngày Nghị định này có hiệu lực phải thực hiện đăng ký phát triển theo đúng quy định tại Nghị định này.

Được biết, ngày 4/6/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định. Bộ Công Thương hiện đang chờ Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp để giải trình, tiếp thu và hoàn thiện các hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.

Thy Thảo