Sáng ngày 05/4/2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cùng Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
Hội nghị nhằm trao đổi, phổ biến nội dung về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics được quy định tại Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ và Quyết định số 2641/QĐ-BCT ngày 02/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Định hướng, đề xuất về công tác điều phối, hợp tác với các địa phương để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, đồng thời phổ biến các hình thức hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc phát triển thị trường, kết nối doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Với vị trí địa chính trị đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD. Dịch vụ logistics Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển", ông Nguyễn Anh Sơn cho biết.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, kiện toàn cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.
Ngày 30/6/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương. Theo đó, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương về dịch vụ logistics.
Thông tin về tình hình quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics tại các địa phương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Đến nay đã có 45 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Song song đó, 47 tỉnh, thành phố đã có báo cáo tình hình triển khai hoạt động logistics năm 2023; 9 tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; 5 tỉnh, thành phố đã tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ địa phương.
"Một số địa phương đã có sự chủ động trong triển khai, đã có tích hợp quy hoạch trung tâm logistics vào quy hoạch phát triển địa phương. Tuy nhiên, mức độ quan tâm, hiểu biết về logistics còn khác nhau, đặc biệt ở cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương", ông Hải cho biết.
Gợi ý một số hoạt động nhằm phát triển dịch vụ logistics tại các địa phương, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh các hoạt động như: Xây dựng một số đề án, đề tài cụ thể nhằm triển khai Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; tổ chức hội thảo về một nội dung chuyên sâu, tạo lợi thế trong phát triển logistics của tỉnh về phát triển cảng, cửa khẩu thông minh, khu thương mại tự do, trung tâm logistics..... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần chủ động tổ chức đối thoại với doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp chủ hàng trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Gỡ khó cho phát triển dịch vụ logistics tại các địa phương
Tại Hội nghị, thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã thông tin cập nhật về tình hình phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, đồng thời đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành về các vấn đề liên quan.
Với 09 ý kiến của Lãnh đạo Sở Công Thương 09 tỉnh, thành phố, mặc dù có sự khác nhau về vị trí, điều kiện và thực trạng phát triển, tuy nhiên có thể thấy các địa phương đều có những thuận lợi và khó khăn, thách thức chung trong quá trình phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Về thuận lợi, nhiều địa phương đã có sự quan tâm đúng mức đến phát triển dịch vụ logistics thông qua việc lồng ghép nội dung quy hoạch về dịch vụ logistics vào Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt; ban hành các kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ logistics địa phương...
Đơn cử, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, xác định dịch vụ logistics là dư địa để Thành phố phát triển kinh tế, Thành ủy và UBND TP. định hướng phát triển dịch vụ logistics thành lĩnh vực dịch vụ quan trọng của Thành phố, đóng góp trên 10% GRDP của TP.
Thành phố đã kiến nghị Trung ương cho phép phát triển hệ thống cảng biển, trong đó có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Thành phố cũng tăng cường kết nối, hợp tác với các địa phương về phát triển dịch vụ logistics.
"Thời gian tới, Thành phố sẽ hình thành thêm 7 trung tâm logistics chuyên nghiệp phục vụ các nhu cầu, hoạt động logistics và dịch vụ liên quan trên địa bàn với tổng quỹ đất quy hoạch khoảng 750ha", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương TP.Hải Phòng cho biết, Lãnh đạo Thành phố rất quan tâm đến phát triển dịch vụ logistics. Đến nay Hải Phòng đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình liên quan như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển logistics đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch kết nối phát triển logistics Hải Phòng - Quảng Ninh; Kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số logistics...
Thành phố cũng chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, các Hiệp hội, địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực về logistics.
Ông Lê Hoàng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, để phát triển dịch vụ logistcs, Quảng Ninh tập trung đột phá 4 trụ cột bao gồm: (i) Hoàn thiện các quy hoạch hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, kho bãi...; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí dịch vụ logistics....; (iii) Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực logistics; (iv) Nghiên cứu xây dựng các chính sách cần thiết để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và quyết tâm của Lãnh đạo và các Sở, ngành, các địa phương cho biết còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển dịch vụ logistics. Những khó khăn lớn nhất, phổ biến nhất được các địa phương trao đổi là vấn đề liên quan đến quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng logistics; chi phí dịch vụ logistics còn cao dẫn đến năng lực cạnh tranh hạn chế; thiếu nhân lực logistics; thủ tục hành chính cần cải cách hơn nữa...
Ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics theo hướng quy định rõ hơn về thương mại điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ logistics; nên lồng ghép quy định quản lý nhà nước về dịch vụ logistics và thương mại điện tử...
Mặt khác, trong bối cảnh Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hết hiệu lực, cần có Quy hoạch mới về hệ thống logistics của cả nước, trong đó cần có nội dung liên kết vùng, hợp tác phát triển logistics giữa các địa phương phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để tạo thành các chuỗi logistics.
Bên cạnh đó, "cần sửa đổi những quy định liên quan đến đầu tư phát triển logistics, ví dụ quy định phân hạng về quy mô quy hoạch logistics; những cơ chế đặc thù đối với đất đai thực hiện các dự án hạ tầng trung tâm logistics có thể áp dụng như với các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế;...", ông Phương đề xuất.
Đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng đề cập, kiến nghị một số nội dung liên quan khác như: Cần có công cụ đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ logistics, kết quả hoạt động của doanh nghiệp, thực trạng phát triển dịch vụ logistics với từng ngành, lĩnh vực sản xuất của địa phương; đề nghị hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực logistics; cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý phát triển dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành Trung ương và các Sở, ngành tại địa phương; cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về khu, cụm dịch vụ logistics; cần có định hướng, hỗ trợ liên kết, phối hợp phát triển dịch vụ logistics giữa các địa phương, các vùng;...
Trao đổi tại cuộc họp, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, đóng góp của dịch vụ logistics đối với thương mại, dịch vụ, thị trường trong nước thời gian qua là rất tích cực.
Bà Lê Việt Nga cũng tán thành những kiến nghị của các địa phương về vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hạ tầng Logistics, thu hút đầu tư, triển khai quy hoạch hạ tầng logistics tại các địa phương trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đã được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, nhất là các vấn đề về quy hoạch trung tâm logistics trong các khu công nghiệp; hạ tầng phát triển dịch vụ logistics...
Đồng thời cho biết với chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương luôn đồng hành với các địa phương để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý nhà nước liên quan đến hạ tầng logistics nhằm hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ logistics của cả nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Phúc đáp ý kiến, kiến nghị của các địa phương ngay tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến và tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung những quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics cho phù hợp với xu thế, tình hình phát triển dịch vụ logistics hiện nay.
Liên quan tới vấn đề quy hoạch các trung tâm logistics; liên kết vùng, địa phương trong phát triển dịch vụ logistics; quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; các tiêu chuẩn về khu, cụm logistics... Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và có sự trao đổi tiếp theo tại các cuộc họp liên quan đến thực hiện Luật Quy hoạch và triển khai Quy hoạch các tỉnh, thành phố...