Hội nghị quy tụ hơn 600 đại biểu từ các cơ quan Bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành bạn, các hiệp hội, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực logistics để cùng nhau đóng góp ý kiến, giúp Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, nằm trong khu vực phát triển năng động của cả nước và toàn thế giới, Quảng Ninh là tỉnh có hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển toàn diện công nghiệp, thương mại và du lịch; trong đó xác định phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh được tổ chức là sự khẳng định quyết tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xác định dịch vụ logistics là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới. Hội nghị không chỉ nhằm tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng, giải pháp đồng bộ phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh; mà còn xúc tiến đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vào tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa lợi thế vị trí quan trọng của Quảng Ninh (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc) trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối thị trường Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Quảng Ninh hiện có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho cả 05 phương thức vận tải: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không. Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Riêng đối với cảng biển, Quảng Ninh có lợi thế rõ nét khi có 250km đường bờ biển, gần 800km luồng đường thủy nội địa, nhiều cảng nước sâu thuộc 6 cụm cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục thuộc nhóm I, nằm trên cửa ngõ đường biển của khu vực, các tuyến vận tải biển quốc tế. Do đó, lợi thế phát triển logistics của Quảng Ninh gắn với thương mại biên giới, cảng biển và đặc biệt còn có Cảng hàng không Vân Đồn rất tiềm năng.
Quảng Ninh cũng là tỉnh luôn tạo đột phá, đi đầu về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh khi 5 năm liên tiếp (2017-2021) Quảng Ninh đều giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Tổng hoà những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, văn hoá, con người ... Quảng Ninh có đầy đủ những yếu tố để phát triển các dịch vụ logistics, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.
Bên cạnh những điểm mạnh và kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhận diện, chỉ ra những hạn chế, "điểm nghẽn" trong phát triển dịch vụ logistics để từ đó có phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra những giải pháp cải thiện.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư để triển khai xây dựng 6 trung tâm logistics lớn của tỉnh, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong quản trị logistics, phát triển logistics gắn với phát triển kinh tế biển, quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp uy tín đến với tỉnh Quảng Ninh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nghiệp vụ kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực kinh doanh logistics nội địa và quốc tế, v.v…
Các bài tham luận tại Hội nghị do các diễn giả là doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia từ các Hiệp hội, viện nghiên cứu trình bày đã làm rõ hơn những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, có cơ hội lớn để phát triển toàn diện, khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, ở điểm đầu khu vực hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc và trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nên việc lựa chọn phát triển dịch vụ logistics là một xu thế tất yếu.
Quảng Ninh hiện là tỉnh có diện tích quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp lớn nhất cả nước với 7 khu công nghiệp, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 2 khu kinh tế ven biển. Các khu kinh tế - khu công nghiệp đều được định hướng phát triển đa ngành, đặc biệt khuyến khích phát triển các nhóm ngành dịch vụ, khoa học - công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nông nghiệp sinh thái hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế. Hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đã và đang được xây dựng hiện đại, đồng bộ và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu đa dạng, sẵn sàng chào đón doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.
Các diễn giả tham luận cũng đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất nhằm giúp Quảng Ninh phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực phát triển dịch vụ logistics, đi thẳng vào hiện đại, tận dụng hết các thế mạnh tự nhiên và con người, thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược để tạo được những thành tựu bứt phá trong lĩnh vực này.
Các diễn giả cũng bày tỏ sự tin tưởng với những quan tâm chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của tỉnh; sự hỗ trợ nhiệt tình của các Bộ ngành Trung ương, sự vào cuộc tích cực của các Sở, ban, ngành địa phương và các doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh và dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng phát triển.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại được cải thiện vượt bậc theo hướng đồng bộ, hiện đại, với cách làm sáng tạo "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" bảo đảm liên thông, tổng thể tạo bước đột phá, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. Điển hình là tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư hoàn chỉnh kết nối các trục hành lang kinh tế, đưa Quảng Ninh là địa phương có số km cao tốc dài nhất Việt Nam (176km trên tổng số 1.046km). Sân bay Vân Đồn là sân bay đầu tiên và duy nhất cho đến nay được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Hệ thống đường bao biển phát huy hiệu quả rõ nét, v.v… Đây đều là những bài học đáng để các địa phương khác học tập.
Ngày 3/3/2023, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã đi thăm một số địa điểm được quy hoạch để phát triển dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Nam Tiền Phong (thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Yên), Sân bay Vân Đồn (Khu kinh tế ven biển Vân Đồn), Trung tâm logistics và lối mở Km 3+4 (Móng Cái), cảng Vạn Ninh.