Ngày 02/12, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long”.
Diễn đàn thu hút hơn 500 đại biểu tham dự trực tiếp là đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Lãnh đạo các địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế… cùng với hàng nghìn người theo dõi Diễn đàn qua kênh trực tuyến.
Ứng dụng công nghệ số, tạo đột phá cho logistics Đồng bằng sông Cửu Long
Phiên toàn thể của Diễn đàn có chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và Địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp để cùng thảo luận, góp ý, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về các định hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp tổng thể phát triển lớn của ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Diễn đàn đã lắng nghe phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; phát biểu chào mừng và chỉ đạo của Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; phát biểu chào mừng của ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Cũng trong Phiên Toàn thể, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, đại diện chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tham luận về các chủ đề: Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam - đột phá cho giai đoạn tới; Thúc đẩy phát triển logistics tại Đồng bằng Sông Cửu Long, khơi thông luồng hàng nông sản; Logistics xanh và vận tải đa phương thức - lựa chọn cho Đồng bằng sông Cửu Long; Đẩy mạnh liên kết vùng từ quy hoạch đến triển khai…
Trong Phiên chuyên đề với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Đồng bằng sông Cửu Long” các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ chi tiết hơn về các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm hay, giải pháp, công nghệ mới, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động logistics, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua đã đạt khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp tích cực, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới.
Chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh nền kinh tế và ngành dịch vụ logistics đối với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ là một xu thế, một lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần cải thiện của ngành logistics Việt Nam như: Chi phí dịch vụ logistics còn khá cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp SXKD, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể...
Chuyển đổi số trong logistics, mặc dù đã được Đảng, nhà nước và chính quyền các cấp nhận thức và quan tâm ở mức độ cao nhưng thực tế triển khai hiện vẫn còn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được doanh nghiệp đầu tư đúng mức vì nhiều lý do, trong đó rào cản lớn là khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh về vị trí và nguồn hàng, song hệ thống logistics của vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
07 giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực dịch vụ logistics
Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế cả nước nói chung và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trên tinh thần quán triệt nghiêm túc ý kiến của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Diễn đàn đã thảo luận và thống nhất tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế để hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistic. Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng, các điều kiện và định hướng phát triển các hoạt động logistics hiệu quả, bền vững trong bối cảnh tình hình mới để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, có lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy logistics phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics đã được đề ra tại các Quyết định 200/QĐ-TTg Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai trong thời gian qua. Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện ở cấp địa phương, phát triển hệ thống logistics ở địa phương đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và cơ cấu kinh tế của địa phương, của Vùng.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi kép là “Chuyển đổi số” và “Chuyển đổi xanh”, định hướng phát triển cho ngành dịch vụ Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghệ lần thứ Tư trong lĩnh vực logistics nhằm thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động. Đối với các doanh nghiệp cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu chiến lược và mô hình chuyển đổi số áp dụng, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp với đặc thù và nguồn lực của doanh nghiệp.
Thứ năm, huy động nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải và các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, trung tâm logistics; phát huy vai trò của vận tải đa phương thức; tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu, đồng thời đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng quản lý, công nghệ, trình độ ngoại ngữ…theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức và nội dung, phát huy vai trò của Diễn đàn Logistics Việt Nam là Diễn đàn quốc gia có uy tín, tập hợp đông đảo các cấp quản lý Trung ương và địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, sau Diễn đàn này, với trách nhiệm là Cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.