Tham dự Lễ ký, về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Đặng Hoàng An; Thứ trưởng Phan Thị Thắng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh; các Phó chủ tịch và Trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban. Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Chủ tịch Liên đoàn Đỗ Ngọc Thịnh cùng đại diện các Luật sư, Đoàn Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương là Bộ có chức năng quản lý nhà nước đa ngành về kinh tế, trong đó, có nhiều lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài nỗ lực của toàn ngành, Bộ Công Thương rất cần có sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan quản lý trực tiếp của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước. Tuy số lượng các đơn vị trực thuộc không lớn nhưng vai trò, vị trí của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vô cùng quan trọng; trong khi ngành Công Thương muốn thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình thì không thể không có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan này.
Đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Liên đoàn là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, cũng có chức năng nhiệm vụ rất quan trọng.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, ngành Công Thương phải làm tốt cả 3 phương diện: Thứ nhất, phải triển khai tổ chức thực hiện tốt những quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời từ thực tiễn hoạt động của mình phải phát hiện, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục ban hành những cơ chế chính sách có liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý. Thứ hai, làm sao thể hiện vai trò quản lý nhà nước nhưng đồng thời cũng tạo ra hành lang pháp lý đủ thông thoáng cho các hoạt động kinh tế của đất nước. Thứ ba, phải làm tốt công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp hiểu được và ủng hộ sự nghiệp của ngành.
“Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ và Quốc hội khóa XV đến nay, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chủ trương phối hợp với các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và một số địa phương phải xây dựng quy chế phối hợp để xác định mục đích, yêu cầu, nội dung và phương thức phối hợp để phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi bên, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi ngành, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã trình bày về quy chế phối hợp giữa Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, 2 cơ quan sẽ phối hợp toàn diện, chặt chẽ hơn nữa nhất là trên các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, các đề án, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và Ủy ban, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp chỉ đạo doanh nghiệp trong triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác phối hợp giữa các cơ quan trọng chỉ đạo và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý sau thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và một số lĩnh vực khác theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao...
Đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hai cơ quan sẽ phối hợp tổ chức lấy ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tham vấn ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với các nội dung cấp thiết liên quan đến lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; Phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong quá trình tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, ban hành; trong hoạt động trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và xây dựng mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực quản lý.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: Trong số 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban quản lý, có 6 doanh nghiệp lớn thuộc ngành Công Thương. Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn và các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban luôn tích cực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, nhất là Bộ Công Thương trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật; đầu tư vào các dự án quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng (điện, than, dầu khí, xăng dầu), công nghiệp (thuốc lá, hóa chất), xúc tiến thương mại, phát triển thị trường... Ủy ban luôn nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ to lớn của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương.
"Thông qua Quy chế phối hợp này, hai cơ quan sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch hoạt động thiết thực, hiệu quả, cụ thể hơn nữa nhằm thực hiện tốt các nội dung phối hợp theo Quy chế, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực đáp ứng kỳ vọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ủy ban và các bộ, ngành trung ương và các Tập đoàn, Tổng công ty ngày 18/3 vừa qua", Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh.
Phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị pháp lý
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng, Bộ Công Thương là một trong các Bộ quan trọng trong bộ máy nhà nước quản lý về các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Nhiều vấn đề quản lý nhà nước của Bộ và hoạt động của các doanh nghiệp Bộ Công Thương đã nhận được sự quan tâm của nhân dân đặc biệt là sự quan tâm của đội ngũ luật sư Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã đồng hành và hỗ trợ pháp lý cho một số đề án, dự án của Bộ và cho một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương. Như việc đóng góp vào các dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công thương chuẩn bị trình Quốc hội, Chính phủ và qua hoạt đông cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho một số doanh nghiệp.
Những đóng góp của đội ngũ luật sư Việt Nam vào hoạt động của Bộ Công Thương tuy chưa được nhiều, nhưng cũng đã nhận được sự ghi nhận của lãnh đạo Bộ và của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ.
Để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ giữa Bộ Công Thương với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hai bên ký kết quy chế phối hợp để cụ thể hóa những nội dung sẽ hợp tác giữa trong giai đoạn mới. Liên đoàn Luật sư Việt Nam ý thức trách nhiệm về những nội dung hợp tác. Sau ký kết Thường trực Liên đoàn sẽ quán triệt nội bộ và nghiêm túc thực hiện những nội dung đã trao đổi và thống nhất. Liên đoàn tin tưởng sự hợp tác với Bộ Công Thương sẽ góp phần cho cả hai bên cùng thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định, được Đảng, Nhà nước giao phó.
Để các quy chế phối hợp này đi vào hiệu quả và thực chất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, ngay sau Hội nghị này, các cơ quan trực thuộc của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tổ chức quán triệt một cách sâu sắc nội dung, phương thức phối hợp, đặc biệt là xây dựng thành những chương trình và kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý, đặc biệt là bám sát nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Đối với ngành Công Thương, đây là thời điểm Bộ đang phải tập trung xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời phải đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Phát triển công nghiệp dự kiến sẽ trình Quốc hội lần một vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang được Chính phủ và Quốc hội giao xây dựng và đề xuất những cơ chế, chính sách đối với các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng bao gồm công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, hóa chất, điện tử và năng lượng. Muốn có công nghiệp nền tảng thì cần phải có cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi.
“Bộ Công Thương rất mong nhận được sự phối hợp giúp đỡ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam để hóa giải được những vấn đề đó trong tương lai gần”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Ủy ban cần phải có những giải pháp cụ thể và những hành động thực tế để giúp cho những dự án, những doanh nghiệp đang sử dụng vốn nhà nước được bắt đầu hoạt động từ nhiều chục năm trước đến nay vẫn còn khó khăn.
“Bộ Công Thương mong muốn cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ là bộ kiềng ba chân hợp tác hợp tác song phương đến đa phương để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ mỗi ngành và góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.